Doanh nghiệp “giữ chân” người lao động

17:14, 12/05/2020

Người lao động vốn là “tài sản vô giá” của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, hiện nay, mặc dù còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, bảo đảm việc làm, đời sống của người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với DN.

Trước những khó khăn do tác động của dịch COVID-19, thời gian qua, các DN trên địa bàn tỉnh đều cân nhắc, tính toán để đưa ra các giải pháp ứng phó. Trong đó, nhiều DN luôn nỗ lực "giữ chân" người lao động, chờ cơ hội ổn định, phát triển trở lại. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: Qua nắm bắt tình hình từ 60 tổ chức công đoàn cơ sở thuộc 60 DN tại các KCN Sông Công I, Nam Phổ Yên và Điềm Thụy, chúng tôi được biết từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, cơ bản các DN này đều nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho trên 15.000 lao động. Để giữ chân người lao động, không ít DN phải chấp nhận bù lỗ trong sản xuất, bố trí cho công nhân làm việc luân phiên.

Tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH KD Heat Technology (ở KCN Điềm Thụy, là đơn vị chuyên gia công cơ khí, tôi cao tần trục cam cho các hãng xe máy Yamaha, Honda của Nhật Bản), được biết trong tháng 4 vừa qua, sản lượng sản phẩm của đơn vị sụt giảm tới 20% so với trước đó. Tuy nhiên, Công ty đã giảm thời gian sản xuất 1 tiếng/ca nhằm bảo đảm 100% người lao động có việc làm. “Dù đang khó khăn nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc cắt giảm bất cứ lao động nào, đồng thời vẫn bảo đảm chế độ khen thưởng cho công nhân. Qua đó góp phần động viên người lao động cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Công ty cũng sẽ cố gắng tiếp cận các chính sách về lao động, việc làm, chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ để tiếp tục vượt khó và giữ chân người lao động" - một lãnh đạo Công ty cho biết.

Tương tự, đối với các DN sản xuất linh kiện điện tử như Công ty TNHH Power Tech, Công ty TNHH New One Tech Vina… cũng thường xuyên điều tiết sản xuất theo hướng bảo đảm việc làm cho người lao động. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH New One Tech Vina chia sẻ: Công ty chúng tôi là đơn vị phụ trợ, chuyên nhận lắp ráp hoàn chỉnh điện thoại thông minh cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Từ tháng 2 đến tháng 4-2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Công ty vẫn cố gắng duy trì công suất lắp ráp ở mức 3 triệu sản phẩm/tháng (giảm khoảng 1 triệu sản phẩm so với trước đó), đồng thời hạn chế cho công nhân tăng ca để bảo đảm đủ việc làm cho trên 1.400 lao động. Bước sang tháng 5, do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên đơn hàng của Công ty tăng dần trở lại. Công ty cũng bắt đầu cho công nhân tăng ca sản xuất để có thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Trường, một công nhân làm việc tại đây chia sẻ: Mặc dù sản xuất có phần bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng Ban lãnh đạo Công ty vẫn nỗ lực tạo đủ việc làm và đóng các loại bảo hiểm cho công nhân. Cùng với đó, chúng tôi còn được tổ chức công đoàn quan tâm chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Vì vậy, chúng tôi luôn yên tâm gắn bó với DN...

Trao đổi với đại diện nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết mặc dù thời gian qua một số đơn vị không đạt mức doanh thu theo kế hoạch, trong khi đó chi phí lao động lại rất lớn, nếu cắt giảm có thể giúp DN giảm bớt “gánh nặng”, song các DN đều cố gắng để không phải thực hiện phương án này. Mặt khác, các đơn vị còn chú trọng tuyên truyền để người lao động yên tâm, tin tưởng và đồng hành với DN vượt khó. Một trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng đang phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 là ngành may. Bởi hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang được kiểm soát khá tốt, từ đó tạo thuận lợi cho các DN may trong việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần may Thành Hưng cho biết: Từ tháng 4 trở về trước, Công ty chỉ duy trì sản xuất ở mức 50% so với công suất thiết kế, đến nay bắt đầu tăng lên 70% do đã nhập khẩu được nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc với số lượng lớn. Còn với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT, thời gian qua luôn cố gắng bảo đảm đủ việc làm cho trên 1.500 công nhân. Đến nay, Công ty cũng đã nhập khẩu được nguyên, phụ liệu để tiếp tục sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, vì thế việc làm, thu nhập của người lao động sẽ ngày càng ổn định hơn…

“Giữ chân” người lao động là một trong những vấn đề quan thiết đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đối với các DN trong cả nước tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với DN được tổ chức mới đây, với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Thủ tướng cũng đề nghị các DN luôn nỗ lực sáng tạo những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó góp phần quan trọng giúp các DN phát triển bền vững... Với sự nỗ lực vượt khó của các DN, chắc chắn việc thực hiện nhiệm vụ kép “vừa chống dịch vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội” sẽ đạt được những kết quả khả quan. Việc làm này cũng có tác động tích cực đối với các DN là hạn chế được nguy cơ người lao động nghỉ việc sau dịch, từ đó giúp DN sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình hiện nay.

Tuy vậy, từ thực tế cho thấy, vẫn còn một số DN trên địa bàn tỉnh đang phải tạm dừng sản xuất (chủ yếu là DN vừa và nhỏ). Mong muốn của các DN cũng như người lao động thiếu việc làm hiện nay là sớm được tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, trợ cấp mất việc của Chính phủ; đồng thời được các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư mở rộng sản xuất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đối với các DN hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực, quyết tâm phát triển… Chính phủ sẽ sớm có nghị quyết tốt nhất nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp các DN ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ các DN phát triển, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ; quan tâm xử lý kiến nghị, đề xuất của các DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được “đổ qua, đổ lại” làm mất thời cơ kinh doanh của DN...