Những năm gần đây, tình trạng ngập úng trên địa bàn T.P Thái Nguyên vào mùa mưa luôn trở thành vấn đề bức xúc đối với nhiều người dân trên địa bàn. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục đã được ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng ngập úng trên địa bàn T.P Thái Nguyên những năm gần đây?
Ông Nguyễn Văn Tuệ: Mặc dù những năm qua, T.P Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống ngập úng trên địa bàn nhưng do yếu tố thời tiết ngày càng cực đoan và hệ thống thoát nước trên địa bàn chưa đáp ứng nên tình trạng ngập úng vẫn diễn ra khi trời mưa quá to. Điển hình, năm 2016 T.P Thái Nguyên đã xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa 164mm kéo dài trong 5 giờ liên tục làm ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường. Hiện tượng ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường chính, khu dân cư đã làm thiệt hại kinh tế, mất mỹ quan đô thị, đình trệ hệ thống giao thông và ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân.
P.V: Thực tế, những năm gần đây, T.P Thái Nguyên đã xây dựng nhiều công trình chống ngập úng. Phải chăng những công trình này chưa thật sự phát huy hiệu quả, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuệ: Hệ thống thoát nước trong Thành phố 5 năm về trước cũ kỹ và không đủ công suất thoát nước, thậm chí nhiều khu vực trong Thành phố chưa có hệ thống thoát nước. Mưa lớn gây ngập úng vì thế trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Thời gian ngập úng kéo dài thường sau 12 giờ mới thoát hết nước. Nhưng từ năm 2016- 2019, Thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn; tổ chức nạo vét bùn đất; khơi thông các tuyến kênh mương, cống hộp, cống ngầm của hệ thống thoát nước; thay mới tấm đan cống hộp, bó vỉa hàm ếch; xây mới hố ga thu nước mặt đường trên một số tuyến đường; đầu tư cải tạo tuyến mương thoát nước... Bởi vậy, hiện tượng gây ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường chính đã cải thiện rõ rệt, thời gian ngập úng không kéo dài, thường tạnh mưa cũng thoát hết nước. Tuy nhiên xét về tổng thể thì các công trình chống ngập úng đã được đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng với yêu cầu đặt ra, vì cả hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, thoát chỗ này nhưng lại ách chỗ khác, bởi vậy khi mưa to kéo dài không thoát nước kịp và xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.
P.V: Có ý kiến cho rằng, trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng ở T.P Thái Nguyên thì “thủ phạm” chính là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cộng với việc quy hoạch, đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Văn Tuệ: Theo tôi có 2 nguyên nhân cơ bản. Về nguyên nhân khách quan, do thời tiết cực đoan những năm gần đây khiến lượng mưa biến động thất thường với tần suất và cường độ mưa ngày càng lớn và tăng cao, trong khi cơ sở hạ tầng hiện hữu được thiết kế chưa tính đến những nguy cơ này. Về nguyên nhân chủ quan, ý thức cộng đồng dân cư chưa cao nên xảy ra phổ biến tình trạng xả chất thải rắn xây dựng, sản xuất, sinh hoạt xuống hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, việc quản lý các công trình tiêu thoát nước tại một số xã, phường thực hiện chưa nghiêm, vẫn để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên các công trình tiêu, thoát lũ; lòng khe, suối dần bị lấn chiếm, kè đá thu hẹp dòng chảy, làm chuyển hướng dòng chảy… Thực tế cũng cho thấy, do quá trình đô thị hóa, diện tích ao hồ, đất cây xanh, đất canh tác, đất công cộng bị thu hẹp không còn được như xưa; nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư triển khai thiếu đồng bộ không đáp ứng tiến độ hoặc một số dự án có cốt nền cao hơn khu dân cư… đều là những tác nhân gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường và khu dân cư.
P.V: Vậy để giải bài toán ngập úng trước mắt và lâu dài, đặc biệt là chống ngập úng trong mùa mưa năm nay, T.P Thái Nguyên đã xây dựng phương án ứng phó như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tuệ: Ngay từ đầu mùa mưa năm nay, UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị như: Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên, Ban quản lý dịch vụ công ích Thành phố kiểm tra, tổ chức nạo vét duy tu sửa chữa các tuyến mương, suối thoát nước. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý quy hoạch hệ thống thoát nước cũng như khai thác vận hành hệ thống thoát nước. Chúng tôi cũng yêu cầu UBND các xã, phường, Hạt quản lý đê Thành phố tiếp tục chủ động kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ công trình làm ảnh hưởng đến việc tiêu úng thoát lũ trên địa bàn. Chủ động tuần tra, nắm bắt tình hình mưa to, lụt bão… khi có mưa lũ gây ngập úng thì phải xử lý linh hoạt các tình huống. Còn về lâu dài Thành phố tiếp tục dành kinh phí đầu tư xây dựng thêm các công trình tiêu thoát nước trên địa bàn ngày càng đồng bộ, tiêu thoát nước hiệu quả.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!