Là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bước vào mùa mưa bão năm nay, tỉnh ta đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan. Qua đó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với đời sống và sản xuất của bà con nhân dân trong tỉnh.
Nằm dưới chân núi Tam Đảo, mỗi khi trời mưa, nước lũ chảy về dồn dập từ khe suối khiến các ngầm tràn (hay còn gọi là cầu tràn) trên địa bàn xã Quân Chu (Đại Từ) trở thành các điểm đặc biệt nguy hiểm. Còn nhớ thời điểm năm 2016, 2 công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đi làm đêm về qua ngầm tràn ngập nước, đã có 1 người bị tử vong vì đuối nước. Ông Bàn Sinh Hải, một hộ dân sống cạnh ngầm tràn xóm Vang bày tỏ: Vào mùa mưa, nước ở ngầm tràn dâng cao rất nhanh, nếu người dân ở nơi khác đến không biết mà cố tình đi qua thường bị lũ ống cuốn trôi. Chúng tôi sống ở đây thường bảo nhau, có việc gì cũng phải đợi mưa ngớt, nước rút mới dám đi qua. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Toản, Bí thư Đảng ủy xã Quân Chu cho biết: Ngoài ngầm tràn xóm Vang, trên địa bàn xã hiện còn có ngầm tràn ở xóm Chiểm và 1 điểm nguy hiểm khác chưa có ngầm tràn, thuộc địa phận từ xóm Tân Yên đi xóm Tân Vinh. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, để đảm bảo an toàn, trong những ngày mưa bão, chúng tôi cắt cử lực lượng tham gia trực 24/24 tại các điểm nguy hiểm dễ xảy lũ ống nhằm cảnh báo không cho người dân, học sinh đi qua lại. Ngoài ra, địa phương đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), trong đó có đầy đủ các lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, đoàn thanh niên… để sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ khi có thiên tai xảy ra.
Không chỉ riêng xã Quân Chu mà ở các xã miền núi, vùng cao khác trên địa bàn tỉnh, nỗi lo lớn nhất trong mùa mưa bão là lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Bởi, tỉnh ta có mạng lưới sông, suối khá dày đặc với địa hình nhiều đồi núi cao, dốc. Vào mùa mưa, mực nước trên các sông, suối đặc biệt là tại các khu vực ở gần ngầm tràn dâng cao và chảy xiết khó lường, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Cùng với đó, mưa to kèm dông lốc cũng gây nhiều thiệt hại nặng nề cho bà con ở các xã đồng bằng. Mới đây, trận mưa dông xảy ra ngày 9-5 đã khiến ngôi nhà của gia đình ông Dương Quang Trung, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) bị tốc mái hoàn toàn, khiến nhiều vật dụng bị hư hỏng. Ngoài ra, gần 1ha keo 4 năm tuổi của gia đình ông cũng bị gẫy đổ, gây thiệt hại về kinh tế. Ông Trung chia sẻ: Sau khi thiên tai xảy ra, chúng tôi được các lực lượng chức năng của xã đến giúp dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả. Nhưng tiếc nhất là rừng keo của gia đình, dự kiến chỉ sau 1, 2 năm nữa là cho thu hoạch với giá bán trung bình 100 triệu đồng, giờ phải bán non với giá 20 triệu đồng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong những năm qua, tỉnh ta thường chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai điển hình như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất... gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chỉ tính riêng trong năm 2019, thiên tai đã làm 7 người chết, 8 người bị thương, ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 108,8 tỷ đồng. Còn từ đầu năm đến nay, thiên tai cũng đã gây thiệt hại về tài sản hơn 25,6 tỷ đồng.
Hiện nay, hệ thống kênh mương hồ Núi Cốc đã được nâng cấp, bảo đảm cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ.
Bước vào mùa mưa bão năm 2020, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã khoanh vùng xác định vùng bị ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở đất tập trung ở các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ và Võ Nhai. Còn các vùng có khả năng xảy ra tình trạng ngập lụt là Đồng Hỷ, Phú Bình, T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên; ngập úng cục bộ tại T.P Thái Nguyên. Ngoài ra, theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có trên 10.600 hộ dân với khoảng 35.400 người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai. Bên cạnh đó, có 399 cầu tràn, 59 cầu treo và 13 bến đò ngang có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra mưa lớn, lũ, lũ quét.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả với các loại hình thiên tai, UBND tỉnh đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Cùng với đó, yêu cầu mỗi địa phương, đơn vị xây dựng phương án PCTT-TKCN phù hợp với tình hình thực tế. Trước mùa mưa bão, các lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi, đê kè, công trình chống sạt lở, các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng triển khai kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Để kịp thời ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả sự cố, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng đã huy động lực lượng dự kiến trên 140.000 người và hàng trăm phương tiện các loại, sẵn sàng tham gia công tác ứng phó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Ban PCTT-TKCN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, các gia đình và mỗi người dân trong công tác PCTT, tránh tư tưởng chủ quan, xem nhẹ các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Cùng với đó, thường xuyên thông tin đầy đủ, kịp thời các tình huống, cảnh báo diễn biến thời tiết xấu để các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn kịp thời có phương án ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Đối với các địa phương, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai để có biện pháp xử lý kịp thời...