Khó khăn trong phòng, chống thiên tai ở Định Hóa

08:34, 25/05/2020

Những năm gần đây, huyện Định Hóa là địa phương chịu thiệt hại do thiên tai nặng nề nhất tỉnh. Nguyên nhân do đâu và khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai ở huyện miền núi này như thế nào? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa để làm rõ hơn về vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết, trong những năm gần đây, thiên tai đã gây thiệt hại như thế nào đối với huyện Định Hóa?

Ông Hoàng Văn Sơn: Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 30 đợt thiên tai, gồm: Mưa dông, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá… khiến 8 người chết; 5 người bị thương; 1.698 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; trên 2.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; gần 15 nghìn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; 92 công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại trên 210 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 trận mưa dông lớn và 1 đợt mưa đá gây thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

P.V: Nguyên nhân vì sao vài năm trở lại đây thiên tai lại gây thiệt hại nặng nề đối với huyện Định Hóa như vậy?

Ông Hoàng Văn Sơn: Thực tế cho thấy, thời gian qua, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn chú trọng đến việc xây dựng và triển khai các phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân mức độ nguy hiểm của các loại hình thiên tai như sạt lở đất, lũ quét, tốc mái và mưa đá... để người dân biết và phòng tránh. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan hơn. Trong khi đó, Định Hóa lại là huyện miền núi có đặc thù địa hình phức tạp với nhiều núi đá cao, độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên các loại hình thiên tai như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… thường xảy ra nhiều hơn và khi xảy ra thiệt hại cũng nghiêm trọng hơn so với những địa phương khác.

P.V: Ngoài những yếu tố bất lợi do điều kiện tự nhiên thì huyện Định Hóa còn gặp phải khó khăn gì trong công tác phòng, chống thiên tai?

Ông Hoàng Văn Sơn: Do nguồn ngân sách hạn hẹp nên hằng năm, kinh phí dành cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai của huyện còn hạn chế. Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trang bị cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai chưa cao. Nhiều gia đình vẫn còn chủ quan, chưa có ý thức tự chủ động trong phòng, tránh thiên tai. Trên địa bàn huyện hiện vẫn còn trên 2.400 hộ dân với 8.800 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét… Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chúng tôi thường xuyên vận động người dân di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai; đồng thời, xây dựng Đề án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí và quỹ đất để xây dựng các khu tái định cư nên Đề án vẫn chưa triển khai thực hiện được.

P.V: Trước những những khó khăn nêu trên, thời gian tới huyện sẽ làm gì để phòng, tránh và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Sơn: Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân, nhất là đối với các gia đình đang sinh sống tại các sườn núi, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét cao. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để thực hiện Đề án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cũng sẽ thường xuyên bám sát cơ sở, đặc biệt trong những ngày có cảnh báo thời tiết nguy hiểm; theo dõi sát sao mực nước tại các hồ chứa nước lớn trên địa bàn để chủ động trong việc xả lũ, đảm bảo an toàn vùng hạ du; tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đôn đốc các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chủ động sơ tán đảm bảo an toàn về người và tài sản...

P.V: Xin cảm ơn ông!