Khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được coi là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bởi thế thời gian qua, Sở KH&CN đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về KH&CN, triển khai có hiệu quả các đề tài dự án, đưa KH&CN tỉnh nhà vươn lên một tầm cao mới.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Trong đó, nổi bật là tính chủ động tiếp cận với những thành tựu KH&CN hiện đại. Bên cạnh đó là sự liên kết, hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KH&CN giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên cũng như các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo diễn ra trên địa bàn tỉnh. Những hoạt động trên đã và đang đem lại những kết quả tích cực, khẳng định vai trò của KH&CN, góp phần tích cực, quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nét nổi bật mang tính thời sự của khoa học tỉnh là đã nhanh chóng, kịp thời tạo ra những sản phẩm ứng dụng hiệu quả vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Điển hình là các trường đại học: Khoa học, Sư phạm, Y - Dược, Kỹ thuật Công nghiệp và một số bệnh viện... đã nghiên cứu, chế tạo hàng loạt sinh phẩm nước rửa tay sát khuẩn khô, nước súc miệng nano bạc kịp thời phục vụ phòng, chống dịch tại các địa phương, trường học, đơn vị. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp còn nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công “Máy đo thân nhiệt không tiếp xúc”; Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động và rôbốt phục vụ khu cách ly. Các máy này đã được lắp đặt, vận hành tốt tại một số bệnh viện, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đề tài khoa học “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR” đã được tỉnh phê duyệt và đang triển khai. Đề tài thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN giữa tỉnh và Đại học Thái Nguyên.
Nói về sự liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, được sự uỷ quyền của UBND tỉnh, Sở KH&CN đã ký hợp đồng với Đại học Thái Nguyên thực hiện các đề tài, dự án KH&CN để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đến nay đã có những triển vọng tích cực. 6 đề tài, dự án đã và đang được triển khai, hoàn thiện như: Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch của tỉnh; chế tạo bộ điều khiển thông minh tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng đô thị T.P Thái Nguyên…
Trước yêu cầu khôi phục bảo vệ các hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh đã phê duyệt thực hiện Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen. Đề án không chỉ phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn gìn giữ đa dạng sinh học cho đời sau. Đến nay, 15 nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh đã được phê duyệt với tổng kinh phí là 29,3 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4-2020, đã có 7 nhiệm vụ được nghiệm thu. Trong đó có thể kể đến các nguồn gen đã được bảo tồn và lưu giữ như: Cá lăng chấm; cá chạch sông; dê cỏ (dê Nản) Định Hóa; cây Re hương… Từ kết quả này, Thái Nguyên được Bộ KH&CN đánh giá là đơn vị cấp tỉnh thực hiện tốt nhất về chương trình lưu trữ và bảo tồn nguồn gen. Đây là cơ sở để Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt thực hiện Đề án khung về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đã và đang mang lại những bước phát triển mạnh mẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của tỉnh. Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết ban hành Quy định về nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tổ chức các hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai với nhiều hình thức như: Truyền thông, tập huấn, hội thảo, cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; trao thưởng cho các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp...
Thông qua các cuộc thi, nhiều ý tưởng đã được các đơn vị hỗ trợ kinh phí để khởi nghiệp, được khuyến khích xây dựng các nhiệm vụ về KH&CN để hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điển hình là ý tưởng “Anti - HPpro sự khác biệt từ thiên nhiên” (Công ty Cổ phần KH&CN SCITECH). Ý tưởng được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019 và hiện đã gửi hồ sơ đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ. Dự án này cũng đã được Quỹ Newton của Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh tài trợ thực hiện thương mại hoá. Ngoài ra có thể kể đến các ý tưởng như: Hệ thống sao chè tự động; sản xuất Trà và Matcha theo hướng sinh thái; phân bón nhả chậm thông minh CRT – Sản phẩm cho ngành nông nghiệp xanh và hiện đại...
Có thể khẳng định, KH&CN Thái Nguyên đã và đang đáp ứng được yêu cầu của thực tế, hoạt động theo đúng tinh thần đổi mới, sáng tạo kiến tạo tương lai. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huy động và quy tụ các nhà khoa học đầu ngành, nghiên cứu KH&CN theo hướng chuyên sâu, xã hội hoá nguồn lực, cải cách hành chính… để không ngừng đẩy mạnh các hoạt động cũng như không ngừng nâng cao hiệu quả của KH&CN đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.