Đó là câu hỏi đặt ra đối với tỉnh ta hiện nay khi kết quả khảo sát năm 2019 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thái Nguyên chỉ đạt 43,20 điểm, giảm 2,48 điểm so với năm trước. Trong đó, đáng chú ý có tới 7 nội dung của chỉ số này giảm từ 0,1-0,95 điểm.
Qua phân tích cho thấy, có 3 nội dung gồm “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”; “cung ứng dịch vụ công” và “quản trị môi trường” của Thái Nguyên nằm trong số những địa phương đạt thấp điểm nhất cả nước. Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã tổ chức họp và đưa ra các giải pháp cụ thể để cải thiện tất cả các nội dung thấp điểm, trong đó quan tâm đặc biệt đối với 3 nội dung nói trên.
Về “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, tỉnh chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và các văn bản liên quan về phòng, chống tham nhũng; tăng cường các hoạt động giám sát trong phòng, chống tham nhũng ở cơ sở; phát huy vai trò của nhân dân, tổ chức xã hội và cơ quan thông tấn, báo chí trong phát hiện, tố giác tiêu cực; có các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi sách nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của cán bộ; xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình phụ trách. Đặc biệt, sẽ công khai kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, sẽ siết chặt công tác tuyển dụng công chức, viên chức hàng năm, đảm bảo công khai, minh bạch, nhất là với các chức danh công chức xã.
Với nội dung “cung ứng dịch vụ công”, tỉnh xây dựng 4 nhóm giải pháp cụ thể. Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện trực thuộc tỉnh. Trong đó, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; cấp, thanh toán chế độ bảo hiểm y tế; giảm sức ép y tế tuyến trên. Thứ hai, cải thiện chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học công lập. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, tăng cường xã hội hóa giáo dục; tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng dịch vụ giáo dục công. Thứ ba, tiếp tục cải thiện kết cấu hạ tầng căn bản. Đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, tăng tỷ lệ hộ sử dụng điện và đảm bảo an toàn lưới điện. Bê tông hóa các tuyến đường còn lại ở nông thôn trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm; thực hiện tốt dịch vụ cấp nước sinh hoạt, thu gom rác thải… Thứ tư, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm. Cương quyết không để xảy ra các hoạt động kiểu xã hội đen, đòi nợ thuê, cảnh giác và xử lý kịp thời các loại tội phạm mới.
Với nội dung “quản trị môi trường”, tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của từng người dân, đảm bảo tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn. Kiểm soát chặt chẽ các hành vi xả thải chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải tại các khu, cụm công nghiệp. Đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý rác thải và hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện đại, đảm bảo đời sống người dân.
Hy vọng, với những giải pháp thiết thực, cụ thể trên cộng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, của từng tổ chức, cá nhân, chỉ số PAPI của tỉnh năm 2020 sẽ được cải thiện một bước.