Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, với 67,71 điểm, tăng 6 bậc và cao hơn 3,47 điểm so với năm 2018. Tuy nhiên, trong 10 chỉ số thành phần có 1 chỉ số là tiếp cận đất đai bị giảm điểm 2 năm liên tiếp và so với toàn quốc, chỉ số này cũng đứng ở vị trí thứ 60. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để nâng cao chất lượng chỉ số này trong thời gian tới?
Thực tế cho thấy, tiếp cận đất đai lâu nay vẫn được xem là chỉ số quan trọng trong việc cạnh tranh và thu hút đầu tư của các địa phương, phản ánh hai khía cạnh mà doanh nghiệp (DN) quan tâm, đó là việc tiếp cận đất đai có dễ dàng hay không và sự bảo đảm về tính ổn định trong quá trình sử dụng đất. Có 11 chỉ tiêu thành phần trong chỉ tiêu này. Theo thông tin phản hồi của những DN trên địa bàn tỉnh được đơn vị chức năng tiến hành khảo sát ngẫu nhiên thì có 6 chỉ tiêu có điểm số tăng, gồm: Tỷ lệ DN có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đạt 40%, tăng 18% so với năm 2018; số ngày để chờ đợi cấp GCNQSDĐ là 25 ngày, giảm 5 ngày và cũng thấp hơn bình quân cả nước 5 ngày; DN không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh tăng từ 33% lên 51%; DN khó khăn về thiếu quỹ đất sạch giảm từ 18% còn 14%... 5 chỉ tiêu bị giảm điểm, trong đó có chỉ tiêu giảm khá sâu, khiến tổng điểm chung giảm 0,3 điểm. Cụ thể: Tăng số DN đánh giá rủi ro trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính...
Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT): Trong những năm qua, với vai trò quản lý nhà nước về đất đai, Sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp việc tiếp cận đất đai của người dân và DN được thuận tiện hơn, như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các giao dịch về đất đai; rút ngắn thời gian cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất để tạo tính ổn định; tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, chủ sử dụng đất và các địa phương...
Tuy nhiên, việc tiếp cận đất đai của DN vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhất là đối với những dự án mà DN phải tự thỏa thuận với người đang sử dụng đất, vì người dân thường đòi mức giá cao hơn nhiều mức giá Nhà nước quy định. Ngay cả các dự án thuộc Nhà nước thu hồi, tiến độ GPMB cũng chưa đảm bảo. Cùng với đó, lực lượng cán bộ làm công tác bồi thường GPMB cấp huyện còn ít, trình độ không đồng đều. Việc công khai thông tin đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp xã nhiều nơi chưa kịp thời, rộng rãi. Vẫn còn tình trạng phối hợp chưa hiệu quả giữa các sở, ngành, gây phiền hà cho DN...
Còn theo ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thì không thể phủ nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua, trong đó có vấn đề tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế của DN thì vẫn còn nhiều điều cần thay đổi. Đó là quỹ đất sạch của tỉnh còn rất khiêm tốn; việc thu hồi dự án “treo” chậm; chưa chú ý quy hoạch cho hoạt động kinh doanh tại các khu dân cư khiến DN nhỏ và siêu nhỏ khó có điều kiện tiếp cận; chi phí không chính thức vẫn ở mức cao... Ngoài ra, tỉnh cũng nên sớm thành lập trung tâm tư vấn tiếp cận đất đai để DN, người dân không phải mò mẫm khi làm các thủ tục...
Dự án Trung Tín Hotel, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn bỏ không, gây lãng phí và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp khác.
Từ thực tế này, bà Nguyễn Thị Loan cho biết: Sở TN và MT sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực TN và MT trên địa bàn tỉnh. Làm tốt việc công bố công khai đầy đủ thông tin quy hoạch; tích cực hướng dẫn DN nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, có kế hoạch tiếp cận việc sử dụng đất. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thông tin về giá đất, công khai, minh bạch giá đất để các nhà đầu tư có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị quan tâm, tập trung làm tốt công tác bồi thường GPMB; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát; hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hạn chế điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo mức độ rủi ro bị thu hồi đất của DN ở mức thấp nhất. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế hỗ trợ về tài chính và tái định cư cho DN khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB để tạo điều kiện cho DN ổn định, phát triển sản xuất. Tập trung thực hiện cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính và các chi phí trong cấp giấy chứng nhận theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh.
Ngoài ra, Sở sẽ công khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và giải đáp thắc mắc cho người dân, DN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ phải trả lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần; xử lý nghiêm cán bộ cố tình nhũng nhiễu. Sở TN và MT mong muốn các sở, ngành liên quan và các địa phương sẽ tích cực phối hợp hơn nữa trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, nhất là các lĩnh vực tài chính, thuế, kế hoạch và đầu tư...
Hy vọng rằng, với những giải pháp mà Sở TN và MT đưa ra, chỉ số “Tiếp cận đất đai” của tỉnh sẽ được cải thiện trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư.