Là khu dân cư được xây dựng với mục tiêu trở thành khu đô thị mới hiện đại, cảnh quan hài hòa, Khu đô thị hồ Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) thu hút rất nhiều người dân đến ngắm cảnh, dạo mát, tập thể dục quanh bờ hồ. Tuy nhiên, những tai nạn đáng tiếc xảy ra gần đây đã khiến người dân không khỏi lo lắng cũng như thắc mắc về thiết kế xây dựng.
Tai nạn đáng tiếc dẫn đến cái chết của bà B.T.D (sinh năm 1956) một người dân có nhà ở gần bờ hồ xảy ra vào đầu tháng 5 vừa qua khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Theo một số người dân ở đó kể, bà D. thường có thói quen ra bờ hồ đổ cơm thừa xuống nước cho cá ăn. Trưa 6-5, có lẽ bà D. cũng ra bờ hồ đổ cơm nguội thì chẳng may trượt chân ngã xuống hồ dẫn đến tử vong.
Còn ông Hà Quang Đường, Tổ trưởng tổ dân phố 18, phường Phan Đình Phùng cho biết: Trước đó mấy ngày, cũng có một chiếc ô tô lao thẳng xuống hồ. Nơi xảy ra vụ việc chỉ cách chỗ bà D. bị nạn vài chục mét. Sự việc xảy ra vào ban đêm và sáng sớm hôm sau họ đã thuê máy cẩu lên, mang đi nên chúng tôi không rõ nguyên nhân tai nạn. Chỉ biết là không có thiệt hại về người.
Thực tế tại nơi xảy ra tai nạn đáng tiếc trên, chúng tôi nhận thấy ranh giới giữa vỉa hè dành cho người đi bộ đến bờ kè rất gần, có nơi rộng chỉ hơn 1m nhưng có độ dốc, trượt. Bờ kè xây bằng đá cao đến vài mét và độ dốc rất lớn. Mực nước dưới hồ khá sâu cộng với bờ kè gần như dựng đứng khiến bất cứ ai cũng khó có thể tự mình leo lên dù là chủ động hay bị động. Điều đáng nói là giữa dọc suốt đường dành cho người đi bộ và bờ kè không có lan can, rào chắn hay cột mốc chỉ giới cảnh báo.
Đường chạy xung quanh hồ có rất nhiều đoạn cua, uốn khúc. Trong khi đó, độ chênh lệch giữa mặt đường chính với vỉa hè dành cho người đi bộ không đáng kể. Người và các phương tiện giao thông chỉ cần vượt qua vỉa hè thì đã gần như tiếp cận mép hồ. Chỉ cần chút sơ xẩy, mất tập trung sẽ rất dễ gặp nạn, nhất là đối với những người từ nơi khác đến hoặc khi gặp trời mưa, sương mù hay đêm tối.
Đối với bà D., sau khi tai nạn xảy ra, đại diện UBND T.P Thái Nguyên, phường Phan Đình Phùng, tổ dân phố và Ban Quản lý dự án đã tổ chức họp, đưa ra các giải pháp để hạn chế những sự cố. Các bên cũng đã thống nhất bổ sung thêm các biện pháp như: Cắm thêm các biển cảnh báo nguy hiểm xung quanh bờ hồ; tăng cường lực lượng bảo vệ, phối hợp với UBND phường thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo, cấm người dân không câu cá, đánh bắt cá, bơi lội, chụp ảnh gần khu vực kè hồ; tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để cao ý thức tự bảo vệ chính mình, bảo vệ tài sản cây xanh, thảm cỏ, ghế đá, hạ tầng kỹ thuật của dự án…
Về phần xây dựng lan can, hàng rào, ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án hồ Xương Rồng (Công ty Cổ phần Sông Đà 2) giải thích: “Theo thiết kế ban đầu được các cấp phê duyệt, hồ Xương Rồng không có lan can, rào chắn. Tuy nhiên, từ vỉa hè dành cho người đi bộ ra đến bờ kè hồ còn có thảm cỏ, cây xanh với chiều rộng thiết kế chỗ hẹp nhất là 2,08m. Ông cũng khẳng định, dự án đã thực hiện đúng theo thiết kế. Sau khi sự việc xảy ra, Ban Quản lý dự án đã cho cắm thêm các biển cảnh báo nguy hiểm quanh hồ và các bến cano. Còn việc dựng thêm rào chắn, lan can sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan, không đúng với thiết kế ban đầu và phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Khẳng định của đại diện Ban Quản lý dự án là như vậy, nhưng khi chúng tôi cùng người dân thực tế thì bề rộng thảm cỏ (đoạn tiếp giáp giữa mép bờ kè và vỉa hè dành cho người đi bộ) có nơi chỉ đạt hơn 1m và có độ dốc, trượt. Bởi theo thiết kế bề rộng thảm cỏ có mặt bằng là 2,08m rồi mới đến mái trượt xuống kè đá. Ông Nguyễn Văn Quýnh lo lắng: Qua sự việc vừa rồi xẩy ra, tôi và những người dân sinh sống gần đây thấy bất an bởi thiết kế thiếu an toàn vì vỉa hè dành cho người đi bộ quá sát mép hồ. Nhiều đoạn cần xây dựng lan can, rào chắn để đánh dấu giới hạn nguy hiểm, hạn chế tai nạn rủi ro. Nếu dự án không làm, tôi và một số hộ lân cận cũng đã tính đến việc đề xuất tự bỏ kinh phí ra xây dựng rào chắn, lan can để đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân.
Lo lắng, băn khoăn của người dân nơi đây cũng là dễ hiểu bởi thực tế đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bởi vậy, bên cạnh những giải pháp về nâng cao tuyên truyền, cắm thêm các biển báo… thì việc lắp thêm lan can, rào chắn, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cũng nên nghiên cứu và tính đến để đảm bảo an toàn.