Gần đây, một người dân trong xóm Bầu 2, xã Văn Yên (Đại Từ) tự ý thuê máy múc, san ủi bờ suối (đoạn chảy qua xóm Bầu 1, Bầu 2 đã được chính quyền đổ đất, đá chắn lũ từ trước) để trồng chè. Điều này khiến người dân ở đây lo lắng, bức xúc, bởi nguồn nước của dòng suối này rất lớn, có nguy gây cơ sạt lở, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của bà con…
Trước nguy cơ bị sạt lở, năm 2012, UBND xã Văn Yên đã xin đất thải của Dự án khu tái định cư tập trung Văn Yên để đổ dọc bờ suối Cái, dài khoảng 200m, bắt đầu từ đường bê tông nối trung tâm xã vào xóm Bầu 1, nhằm bảo vệ cánh đồng Chùa Già, đồng Mưa và đồng Chũng của người dân 2 xóm: Bầu 1, Bầu 2. Sau khi được đắp đất đá, đoạn bờ suối này (người dân thường gọi là Đê 2) như một bức tường thành vững chãi, ngăn ngừa tình trạng sạt lở, nước lũ không tràn vào ruộng canh tác của người dân. Thế nhưng, đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Kiện, xóm Bầu 2 đã tự ý cho san ủi đoạn bờ suối này, khiến bức “tường thành” có nguy cơ bị phá hỏng. Ông Bùi Công Đoàn, ở xóm Bầu 1 cho biết: Năm 2012, chính quyền địa phương đổ đất tại bờ suối để chống sạt lở, gia đình tôi cũng hiến một phần diện tích đất canh tác để thực hiện. Không chỉ tôi mà nhiều bà con đều phấn khởi bởi từ đó đến nay, gần 15ha đất nông nghiệp và một số nhà ở của bà con trong xóm Bầu 1, Bầu 2 không còn bị nước tràn vào như trước, chúng tôi yên tâm hơn để sản xuất. Vậy nhưng, không hiểu vì sao đầu tháng 5 vừa qua, ông Kiện đã tự ý cho máy múc đến san ủi đất tại đây. Trước đó, vào năm 2018, người dân cũng phát hiện ông Kiện cho máy múc san ủi đất, hạ thấp bờ suối xuống khoảng gần 5m để trồng chè…
Còn ông Lê Thanh Hải, Trưởng xóm Bầu 1 chia sẻ: Bên cạnh việc đất canh tác của người dân có nguy cơ bị ảnh hưởng vào mùa mưa bão nếu bờ suối không còn, điều chúng tôi lo lắng còn là nguy cơ phát tán dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, năm 2019, gần 100 tấn lợn chết của cả xã do bị dịch tả châu Phi đều được chôn tại đây. Trước sự phản đối của người dân 2 xóm, để biện minh cho hành động của mình, ông Kiện đã đưa ra đơn xin trông coi, bảo vệ Đê 2 chắn lũ cánh đồng xóm Bầu, có xác nhận của UBND xã ngày 20-12-2013. Trên thực tế, nội dung trong đơn và xác nhận của xã chỉ đồng ý cho ông Kiện được phép trông coi, có thể tận dụng trồng cây ngắn ngày và không được làm ảnh hưởng đến các thửa ruộng liền kề chứ không cho phép ông Kiện được san ủi.
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn bờ suối Cái được chính quyền địa phương đổ đất cao gần 8m và có chiều rộng từ 10-20m, đoạn đầu bị san ủi để trồng chè từ năm 2018 chỉ cao hơn mặt suối Cái chưa đầy 2m. Trước đây, lòng suối Cái ở khu vực này rộng từ 15-20m, nhưng giờ đã bị một hộ dân ở bên phía đối diện đổ đất, san lấp nên đã thu hẹp, chỉ còn khoảng 6-8m, khi có mưa là nước lũ dâng cao, nguy cơ tràn vào các cánh đồng xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết: Ngay khi người dân phản ánh có hiện tượng san ủi bờ suối, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra. Qua xác minh, chủ máy xúc là anh Nguyễn Văn Đức, người địa phương. Khi làm việc, anh Đức cho biết, được ông Nguyễn Văn Kiện thuê san ủi để trồng chè. Bà con phản ánh việc san ủi tại khu chôn lợn dịch bệnh trước đây, nhưng qua kiểm tra thì khu vực này chưa bị san ủi. Hiện nay, xã đã mời ông Kiện lên làm việc, yêu cầu dừng san ủi và phải tiến hành khôi phục lại hiện trạng ban đầu để bảo vệ bờ suối Cái…
Dòng suối Cái của xã Văn Yên được hình thành từ suối Hu, xã Mỹ Yên và suối Chùa, xã Văn Yên. Vào mùa mưa, nước từ dãy Tam Đảo đổ về đây rất lớn. Nhiều trận lũ tràn qua đất canh tác dọc bờ suối, nên nhà nước đã phải đầu tư xây dựng bờ kè tại suối Cái. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là mùa mưa bão đang đến gần, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần nhanh chóng có biện pháp khôi phục lại đoạn bờ suối bị san ủi, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.