Nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững

11:02, 11/05/2020

Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, các địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, xây dựng nhiều mô hình điểm về giảm nghèo bền vững. Song song với việc triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bộ của nhà nước, những mô hình giảm nghèo đã giúp nhiều hộ nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.  

Là một trong những xã vùng cao còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 54,4% (năm 2005), để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Tràng Xá (Võ Nhai) phân chia địa bàn thành 3 vùng sản xuất chính là trồng rừng, cây ăn quả có múi, sản xuất chè. Đồng thời, vận động các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng. Toàn xã hiện có 300ha bưởi, trên 200ha chè và gần 400ha rừng sản xuất. Trung bình mỗi năm, xã giảm được 7% hộ nghèo. Năm 2019, Tràng Xá chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Bà Chu Thị Lệ Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Việc triển khai và nhân rộng mô hình vùng sản xuất giúp hộ nghèo xác định được hướng đi hiệu quả. Các hộ tham gia mô hình còn được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ tiền, con giống, khoa học - kỹ thuật từ các chương trình của Nhà nước để tạo sinh kế bền vững. 

Khác với Tràng Xá, mô hình giảm nghèo được xã Sơn Phú (Định Hóa) triển khai thông qua các gia đình. Ông Âu Văn Được, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết: Chúng tôi tập trung nguồn lực để thực hiện một số mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm của địa phương như: trồng rừng, sản xuất và chế biến chè, chăn nuôi gia súc... Ban đầu, mô hình chỉ được triển khai ở một số gia đình được lựa chọn làm điểm, sau khi có hiệu quả kinh tế cao mới nhân rộng trên địa bàn. Từ các mô hình điểm được nhân rộng đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Sơn Phú. Đến nay, toàn xã chỉ còn 6,15% hộ nghèo (năm 2019), giảm 20,75% so với đầu năm 2018.

Thực tế, việc triển khai các mô hình điểm về giảm nghèo, nâng cao thu nhập là cách làm năng động, sáng tạo của các địa phương, dựa trên cơ sở nguồn lực hỗ trợ của Nhà Nước và đặc điểm của cơ sở. Thông qua mô hình điểm, đã gắn kết trách nhiệm của các gia đình với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, giúp người dân dần thay đổi nếp nghĩ, loại bỏ phương thức sản xuất cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Từ các mô hình điểm, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 300 mô hình giảm nghèo. Hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế và được các địa phương nhân rộng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 13,4% (năm 2015) xuống chỉ còn 4,35% (năm 2019).