Sau khi Mỏ than Bá Sơn, ở xóm Đồng Sang, xã Cổ Lũng (Phú Lương) chuyển sang hình thức khai thác than hầm lò, người dân sinh sống gần Mỏ phát hiện công trình xây dựng của gia đình có hiện tượng rạn nứt, sụt lún, giếng khơi bị cạn nước. Tình trạng này ngày càng lan rộng khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng và mong muốn cơ quan chức năng và đơn vị khai thác sớm có phương án giải quyết dứt điểm…
Năm 2015, Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên được UBND tỉnh cấp phép khai thác than tại mỏ than Bá Sơn thuộc địa phận xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) và xã Cổ Lũng (Phú Lương) với công suất 33 nghìn tấn/năm, thời hạn khai thác là 5,5 năm kể từ ngày 30/6/2015. Sau khi Công ty đi vào hoạt động và tiến hành khai thác than bằng hình thức lộ thiên và hầm lò thì vào khoảng đầu năm 2018 đã có 5 hộ dân ở xóm Đồng Sang (xã Cổ Lũng) phản ánh tình trạng xuất hiện vết rạn nứt ở các dãy tường nhà, bể chứa nước ăn. Thời gian sau đó, ngày càng có nhiều hộ dân phản ánh cũng xuất hiện tình trạng tương tự như trên tại công trình xây dựng của gia đình. Theo số liệu kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 47 hộ ở xóm Đồng Sang, Nam Sơn (xã Cổ Lũng) và xóm Cao Sơn 3 (xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên) bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, nhà ở xóm Đồng Sang cho biết: Đầu năm 2019, tường nhà của gia đình xuất hiện vết nứt, nước giếng khơi cạn dần và đến nay thì không có để dùng. Không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác cũng xảy ra tình trạng trên. Còn bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng xóm Đồng Sang cho biết: Hơn 30 hộ dân trong xóm xuất hiện vết nứt trên các công trình xây dựng. Đến thời điểm hiện tại, Công ty cũng đã chi hỗ trợ cho 11 hộ. Trong đó 5 hộ đầu tiên, ở gần moong khai thác được chi trả từ 100 đến 350 triệu. Các hộ bị ảnh hưởng sau chỉ được hỗ trợ từ 15 đến 20 triệu. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ như vậy thì chúng tôi không đủ để khắc phục những ảnh hưởng gây ra. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng đánh giá mức độ an toàn trong quá trình khai thác của Mỏ, từ đó có giải pháp hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho người dân…
Ông Lý Văn Lìu, xóm Đồng Sang bị nứt nhà và nứt bể nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tiến hành khai thác theo 2 hình thức lộ thiên và hầm lò, ở độ sâu 85m so với mặt đất. Trong quá trình khai thác, chúng tôi đã thực hiện đúng quy định của cơ quan chức năng về nổ mìn và công suất khai thác. Khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã giảm khối lượng thuốc nổ theo quy định trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp từ 15kg xuống còn 4kg thuốc nổ/lần và không đồng thời cho nổ cùng lúc. Công suất khai thác thực tế cũng chỉ đạt 70-80% so với công suất cho phép. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Phú Lương tiến hành kiểm tra, đánh giá và có phương án hỗ trợ các hộ dân địa phương bị ảnh hưởng. Đầu năm 2018, chúng tôi đã hỗ trợ 5 hộ ở xóm Đồng Sang (hộ cao nhất là 350 triệu đồng, thấp nhất 100 triệu đồng). Vừa qua, đơn vị khai thác cũng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và thống kê có 47 hộ có hiện tượng nứt tường và bể nước. Trong khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, chúng tôi đã xây dựng phương án hỗ trợ người dân theo các mức độ ảnh hưởng khác nhau. Đồng thời, chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để cấp nước cho bà con…
Có thể thấy rằng, mặc dù cơ quan chức năng và đơn vị khai thác đã có những động thái tích cực trong việc thống kê, đánh giá mức độ ảnh hưởng để hỗ trợ bà con, song vẫn cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để theo dõi, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác mỏ đối với đời sống nhân dân, nhất là trong thời điểm tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay…