Những năm gần đây, thú chơi thả diều phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở T.X Phổ Yên và các huyện Phú Bình, Đại Từ, từ đó có nguy cơ rất cao xảy ra sự cố trên đường dây điện.
Do vật liệu được người dân dùng để làm diều có tính dẫn điện (như khung diều có gắn dây đèn led, dây buộc bằng thép, dây diều có pha sợi kim tuyến dẫn điện, trên diều gắn thêm ống sáo bằng kim loại…), kích thước diều lại lớn (có loại dài đến 7-8m, rộng 3-4m) nên nếu không may vướng vào đường dây diện có thể gây ra sự cố điện lưới đặc biệt nguy hiểm. Gần đây nhất, vào hồi 22 giờ 32 phút ngày 7/5/2020, tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đã xảy ra sự việc người dân thả diều gần khu vực đường dây điện 220kV Hà Giang - Thái Nguyên, do diều bay vào nên đã gây sự cố đường dây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưới điện truyền tải. Tuy sự cố xảy ra vào giờ thấp điểm (ban đêm) nhưng cũng đã gây gián đoạn truyền tải công suất trên đường dây khoảng 900.000 kWh, gây mất điện trên diện rộng tại 7 huyện, thành, thị trong tỉnh, tổng thời gian 2 lần chuyển nguồn là 145 phút (với gần 240.000 hộ khách hàng bị mất điện).
Trước đó, trong các ngày 16/1/2020 và 30/3/2020 đã xảy ra sự việc người dân thả diều gần khu vực trạm 220kV Phú Bình dẫn đến diều và dây diều bay vào trong trạm, mắc vào đường dây xuất tuyến 220kV và thanh cái, các ngăn lộ. Những sự việc này tuy chưa gây sự cố cho đường dây và trạm 220kV Phú Bình, nhưng nguy cơ xảy ra sự cố về điện là rất lớn và còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Theo các cán bộ kỹ thuật ngành Điện, khi diều và dây diều bị mắc vào sẽ khiến các đường dây điện 2 pha, 3 pha rúm vào nhau, gây ra sự cố mạch ngắn. Điều này cũng đặc biệt nguy hiểm, gây mất an toàn cho người ở phía dưới bởi có thể gây ra hiện tượng phóng điện dẫn tới chết người.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ chập điện, mất điện liên quan đến việc thả diều của người dân, trong đó T.X Phổ Yên là địa bàn nóng nhất với 9 vụ. Việc thả diều dưới đường dây điện là hành vi bị cấm do có thể gây ra các sự cố về điện. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, mức xử phạt hành vi này chỉ từ 1-5 triệu đồng, lại rất khó xác định được thủ phạm để xử phạt, quy trách nhiệm, trong khi đó chỉ riêng thiệt hại về kinh tế trong các sự cố mất điện đã lên tới hàng trăm triệu đồng…
Trước thực trạng nêu trên, ngày 20/5/2020, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1819/UBND-TH chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, xét công văn đề nghị ngày 11/5/2020 của đơn vị Truyền tải điện Đông Bắc 3 (Công ty Truyền tải điện 1) về sự cố lưới truyền tải điện do diều trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu: Sở Công Thương, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành, thị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Truyền tải điện Đông Bắc 3 đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn điện; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực điện lực.