Đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển

10:20, 16/06/2020

Trong 95 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển. Để báo chí phát triển theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngoài việc nâng cao chất lượng về nội dung thì mỗi cơ quan báo cần phát huy thế mạnh từng bước đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại.

Hiện tại, Thái Nguyên có 3 cơ quan báo chí là Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Về báo in, có 4 ấn phẩm báo in là Thái Nguyên thời sự phát hành từ thứ hai đến thứ 6; Thái Nguyên Hằng tháng phát hành 1 tháng/1 số; Thái Nguyên Chủ nhật phát hành hằng tuần, Văn nghệ Thái Nguyên phát hành tuần báo. Về báo nói, báo hình, có 1 kênh phát thanh là kênh thiết yếu của địa phương; 2 kênh truyền hình TN1 (kênh Thời sự - Chính trị tổng hợp) là kênh truyền hình thiết yếu của địa phương, phát sóng trực tiếp trên vệ tinh VINASAT-1, kênh TN2 (kênh Khoa giáo - Giải trí); 1 báo điện tử là Thái Nguyên điện tử với ngôn ngữ Việt - Anh - Trung. Cả tỉnh hiện có khoảng 500 người công tác trong các cơ quan thông tin, báo chí, trong đó 188 người hoạt động báo chí và quản lý báo chí được cấp thẻ nhà báo (toàn quốc là 20.860 người).

Các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế -xã hội trong tỉnh, trong nước và quốc tế, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân; tích cực, chủ động trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.

Thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND triển khai thực hiện quy hoạch báo chí. Trong đó, theo lộ trình, đến hết năm 2020, Báo Văn nghệ Thái Nguyên sẽ chuyển thành Tạp chí. Đến nay, Hội Văn học nghệ thuật đã xây dựng Đề án chuyển đổi từ báo in thành tạp chí in, dự kiến hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép trước ngày 30-6. Theo Đề án, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên xuất bản 2 tuần/số, khổ 28,5cmx36cm, từ 36 đến 72 trang, in từ 3.500 đến 3.800 bản/số. Đối với Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, đến hết năm 2020, thực hiện tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các chuyên mục, chương trình, đề án, kế hoạch của kênh phát thanh, kênh truyền hình thiết yếu của địa phương. Báo Thái Nguyên có 1 ấn phẩm chính và một số ấn phẩm khác; được giao quyền tự chủ về tài chính và thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số ấn phẩm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và với một số chuyên trang, chuyên mục, thông tin đối ngoại giới thiệu quảng bá về tỉnh Thái Nguyên bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Để thực hiện được Quy hoạch theo đúng lộ trình, Sở Thông tin và Truyền thông đang trình UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình để làm căn cứ xây dựng phương án tự chủ cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Riêng đối với Báo Thái Nguyên, sau khi Bộ TT&TT ban hành Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử.

Để báo chí của tỉnh phát triển theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngoài việc nâng cao chất lượng về nội dung thì mỗi cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của từng loại hình báo chí, từng bước đổi mới để thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Đối với báo in, cần quan tâm hơn nữa đến hình thức từng ấn phẩm, màu sắc, sử dụng hiệu quả tranh, ảnh, biểu đồ, đồ họa để đem lại thông tin toàn cảnh cho bạn đọc. Phát triển Báo Thái Nguyên điện tử gắn với đổi mới công nghệ phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng. Đối với phát thanh và truyền hình, có cơ chế phù hợp để từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp truyền thông. Đảm bảo phủ sóng các chương trình phát thanh - truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trên các hạ tầng truyền thông truyền thống (đài, tivi) và các loại hình truyền thông mới như mạng xã hội, internet, ứng dụng trên các thiết bị di động, tivi thông minh. Khai thác các nội dung từ kênh truyền hình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học kỹ thuật, thể thao, giải trí với thời lượng phù hợp.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ làm báo. Tích cực cộng tác với các đài, báo Trung ương, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục bằng tiếng nước ngoài để giới thiệu, quảng bá hình ảnh một Thái Nguyên đổi mới, giàu tiềm năng, thế mạnh, thân thiện năng động với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, tranh thủ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.