Kinh tế báo chí: Áp lực… tăng gấp đôi!

18:29, 17/06/2020

Năm 2020, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đều chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh COVID-19 và những thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự khi thực hiện quy hoạch báo chí theo yêu cầu của Chính phủ. Những vấn đề lớn này, đã, đang và sẽ ảnh hưởng tích cực và cả tiêu cực đối với hoạt động báo chí nói chung, kinh tế báo chí nói riêng…

Đối với các cơ quan báo chí được cấp toàn bộ hoặc một phần nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước thì còn ít bị ảnh hưởng sau dịch bệnh COVID-19. Riêng các cơ quan báo chí tự chủ đảm bảo cân đối thu chi, năm 2020 là sự thách thức rất lớn vì nguồn thu giảm sút do nền kinh tế gặp khó khăn, các tổ chức, doanh nghiệp đều đã cắt hoặc giảm chi phí dành cho quảng cáo, tuyên truyền.

Hơn nữa, các mạng xã hội cũng đã đẩy mạnh dịch vụ quảng cáo trực tuyến nên phần dành cho quảng cáo trên báo in, báo điện tử, kênh truyền hình đều bị thu hẹp. Quảng cáo là nhu cầu phát triển của chính bản thân cơ quan báo chí vì đây là nguồn thu quan trọng để tái đầu tư đổi mới kỹ thuật và công nghệ làm báo, nâng mức nhuận bút. Cũng nhờ quảng cáo, sản phẩm báo chí đưa đến công chúng có thể dưới giá thành sản xuất sản vì có sự “gồng gánh”  chi phí đầu vào. Ở hầu hết cơ quan báo chí nước ngoài, nguồn thu từ quảng cáo chiếm trên 50% tổng doanh thu của cơ quan báo chí. Đơn cử như Hiệp hội báo chí Mỹ, doanh thu từ quảng cáo, phát hành đạt khoảng 40 tỷ USD/năm. Còn ở trong nước, các tờ báo, như: Công An T.P Hồ Chí Minh; Tuổi Trẻ T.P Hồ Chí Minh; Thanh Niên;  Hải Phòng; Hà Nội Mới: Đài Phát thanh - Truyền hình T.P Hồ Chí Minh,  Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long… đều sử dụng nguồn thu từ quảng cáo, tuyên truyền để tự chi trả cho mọi hoạt động và còn nộp một phần lợi nhuận về cơ quan chủ quản.

Đối với các cơ quan báo chí của tỉnh, gồm: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên phải thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhưng bối cảnh thực hiện quy hoạch báo chí theo chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan báo chí của tỉnh đều đã từng bước sắp xếp tổ chức bộ máy, cắt giảm lao động và tiến hành tự chủ kinh phí theo lộ trình. Theo tính toán sơ bộ của các cơ quan báo chí trong tỉnh, đến nay nguồn thu từ quảng cáo, tuyên truyền đã tự chủ được một phân kinh phí chi thường xuyên. Cụ thể, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mỗi năm thu được từ 14-16 tỷ đồng từ nguồn quảng cáo, tuyên truyền (đáp ứng được khoảng 30% như chi thường xuyên); Báo Thái Nguyên thu được khoảng 6 tỷ đồng từ nguồn quảng cáo và phát hành (đáp ứng được khoảng 17%  nhu cầu chi thường xuyên). Riêng Báo Văn nghệ Thái Nguyên tiền phát hành các ấn phẩm báo chí chưa có lãi, nguồn thu quảng cáo cũng không đáng kể. Ông Trần Văn Thép, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên cho biết: Ấn phẩm của Báo Văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị nên việc thu hút quảng cáo tương đối khó khăn. Để Báo duy trì hoạt động thì cơ bản nguồn kinh phí của đơn vị được Nhà nước cấp theo định mức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.  

Sản phẩm báo chí nào cũng có lợi thế để thực hiện quảng cáo để tăng nguồn thu nhưng phụ thuộc chủ yếu vào chỉ số phát hành, phạm vi phủ sóng và nhóm công chúng hướng tới. Đây cũng yếu tố quyết định để các tổ chức, doanh nghiệp chọn lựa đăng tải thông điệp quảng cáo. Song, muốn sản phẩm báo chí càng có nhiều công chúng và nhóm công chúng thì tất phải chạy theo nhu cầu thông tin “giật gân, câu khách”; hay “đánh đấm”. Như vậy tất yếu vai trò định hướng, hỗ trợ cung cầu thị trường, nâng cao dân trí của các cơ quan báo chí sẽ không thể toàn diện. Do vậy, mỗi cơ quan báo chí muốn phát triển bền vững và gia tăng vai trò, vị thế xã hội cần coi trọng chất lượng nghề nghiệp, chăm lo đội ngũ nhà báo, có chiến lược phù hợp để thực hiện hiệu quả về kinh tế báo chí để có nguồn thu liên tục, đáp ứng được chi phí của tòa soạn.