Chiều 27-8, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc đối thoại của UBND tỉnh với đại diện một số hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có trên 540 HTX với hơn 41.700 thành viên, người lao động và hơn 4.400 tổ hợp tác với 73.300 thành viên. Trong đó, có 327 HTX nông nghiệp, còn lại hoạt động trong các lĩnh vực như: Kinh doanh vận tải; xây dựng; sửa chữa, kinh doanh thiết bị điện gia dụng; dịch vụ môi trường… Thời gian qua, tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác phát triển ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đa số các HTX có quy mô nhỏ, nguồn vốn hoạt động còn khó khăn, sức cạnh tranh của một số sản phẩm trên thị trường chưa cao…
Tại buổi đối thoại, đại diện các HTX đã kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng một số nội dung: hướng dẫn về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng chè; nhiều HTX không tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 vì các điều kiện quá cao; chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận Hiệp định EVFTA đối với lĩnh vực thuế, hải quan; hỗ trợ kinh phí xây dựng khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm; tăng cường công tác kết nối tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, chè, rau, củ, quả… vào các bếp ăn tập thể của tỉnh và các siêu thị lớn trong cả nước; tiếp tục có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực trẻ làm việc tại HTX; có cơ chế đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của HTX để thực hiện các dự án của tỉnh…
Phát biểu kết luận, đồng chí Dương Văn Lượng khẳng định quan điểm của tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX, tổ hợp tác hoạt động ổn định và phát triển theo đúng luật. Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan ưu tiên, tập trung xem xét giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các HTX; trên cơ sở sở đó, đề xuất các giải pháp xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 sát với tình hình thực tế…