Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này, bảo vệ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh và được biết: Thời gian qua, Ban Quản lý đã vào cuộc rất quyết liệt, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp (DN) trong KCN đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và các quy định của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch...
P.V: Trước hết, ông đánh giá như thế nào về những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh tại các KCN trên địa bàn tỉnh?
Ông Trần Quốc Trung: Hiện nay, tại 6 KCN trên địa bàn tỉnh đã có 236 dự án với trên 90 nghìn người làm việc tại đây. Do yêu cầu của công việc, người lao động tại các KCN phải tập trung lực lượng tại khu sản xuất, nhà xưởng và tiếp xúc đông người. Hơn nữa, phần lớn công nhân ở xa nhà, phải thuê nhà trọ gần các KCN. Vào dịp cuối tuần, họ có thể về quê, giao tiếp với khá nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao.
P.V: Sau gần 100 ngày, Việt Nam đã xuất hiện trở lại bệnh nhân dương tính với COVID-19, vậy đơn vị đã làm gì để kích hoạt lại các hoạt động phòng, chống dịch?
Ông Trần Quốc Trung: Lần này, vi-rút SARS-Cov-2 đã biến đổi, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Do đó, chúng tôi đã kích hoạt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đợt 1 với tinh thần quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; kiện toàn các đoàn kiểm tra, tổ đội để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Riêng đối với công tác phòng, chống dịch ngay tại phòng, đơn vị trực thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh, chúng tôi yêu cầu các tổ chức đoàn thể trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cùng vận động, tuyên truyền cán bộ, người lao động nâng cao nhận thức, cùng chung tay phòng, chống dịch hiệu quả; phun tiêu độc khử trùng trong toàn đơn vị; yêu cầu 100% cán bộ, người lao động cài đặt phần mềm bluezone (ứng dụng bảo vệ cộng đồng, phòng, chống dịch COVID-19)…
Đối với các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị, DN thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và các ngành, địa phương. Đặc biệt, yêu cầu các DN tuyên truyền cho toàn thể công nhân, người lao động tin tưởng vào các hoạt động phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước; không bình luận, sao chép tin bài không chính thống trên các kênh thông tin, mạng xã hội gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và người lao động. Hiện, tại các DN đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch qua các cụm loa truyền thanh của đơn vị vào đầu giờ sáng, buổi trưa và cuối giờ chiều.
P.V: Xin ông cho biết, để bảo vệ công nhân, người lao động, Ban đã yêu cầu các DN có các hoạt động phòng, chống dịch cụ thể ra sao?
Ông Trần Quốc Trung: Luôn đặt vấn đề bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động lên trên hết, chúng tôi yêu cầu các DN đo thân nhiệt và bắt buộc người lao động rửa tay sát khuẩn trước và sau khi làm việc, đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người, nơi công cộng, tránh tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc, nếu có thì đảm bảo dãn cách tối thiểu 2m; dừng các cuộc họp không cần thiết; thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh.
Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các DN không tổ chức cho công nhân, người lao động đi tham quan, nghỉ mát; bố trí giờ ăn ca, ăn trưa hợp lý, chia làm các đợt để tránh tập trung đông người; cập nhật, ghi chép lại thông tin của người đến liên hệ công tác, ra vào tại đơn vị, DN, khu ký túc xá; thực hiện khai báo y tế đối với tất cả cán bộ, công nhân, người lao động; yêu cầu cách ly, theo dõi sức khỏe đối với những trường hợp từ vùng dịch trở về (qua rà soát có hơn 300 người, hiện sức khỏe ổn định). Đồng thời, quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài mới nhập cảnh vào Việt Nam làm việc tại các DN phải thực hiện nghiêm túc việc cách ly 14 ngày theo quy định; phân công lãnh đạo, cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận các thông tin về tình hình dịch bệnh tại các DN, tổng hợp, báo cáo hằng ngày về Ban Quản lý các KCN.
Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các DN phải xây dựng phương án sẵn sàng cách ly 1 DN, 1 phân xưởng khi có dịch bệnh phát sinh; thành lập đội phản ứng nhanh để luyện tập phương án và sẵn sàng thực hiện khi có tình huống.
P.V: Yêu cầu đặt ra là như vậy nhưng Ban giám sát các DN thực hiện công tác phòng, chống dịch bằng cách nào, thưa ông?
Ông Trần Quốc Trung: Chúng tôi đã thành lập 2 tổ kiểm tra, giám sát với sự tham gia của các lãnh đạo Ban và cán bộ các phòng, đơn vị liên quan. Theo đó, tổ 1 phụ trách kiểm tra, giám sát, đôn đốc các DN tại các KCN: Điềm Thụy, Yên Bình; tổ 2, thực hiện nhiệm vụ tại các KCN: Sông Công I, Sông Công II và Nam Phổ Yên.
Các DN đều hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, tôi tin rằng, họ vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần thức đây kinh tế địa phương phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
P.V: Xin cảm ơn ông!