Hiện nay tình trạng chung của cả nước là giảm nguồn thu ngân sách, trong khi nhiệm vụ chi không đổi dẫn đến mất cân bằng thu chi. Với Thái Nguyên, hơn 8 tháng qua, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và tổng chi cũng giảm nhưng không đáng kể, khoảng 0,4%, trong đó chi thường xuyên tăng 2,2%.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, gần hết quý III năm nay, thu ngân sách của tỉnh mới đạt trên 53% dự toán năm, trong đó thu nội địa bằng 53%, giảm 15,3% so với cùng kỳ; thu hoạt động xuất, nhập khẩu cũng chỉ đạt 55,4% dự toán năm và giảm 5,5% cùng kỳ. Chính vì vậy mà không chỉ nhiệm vụ thu từ nay đến cuối năm khá nặng nề mà nhiệm vụ chi cũng cần cân đối tính toán hết sức căn cơ. Đã lâu rồi, UBND tỉnh chưa phải ban hành chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính, ngân sách, nhưng nay trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, tỉnh đã phải có những chỉ lệnh để các cấp, ngành nghiêm túc thực hiện.
Trước tiên, ngành Thuế, Hải quan - cơ quan chủ lực về thu ngân sách phải phối hợp với các địa phương rà soát, quản lý chặt các nguồn thu; kiểm soát tốt công tác kê khai, quyết toán thuế, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nợ thuế, nhất là các khoản nợ lớn. Cần đẩy mạnh việc đôn đốc, theo dõi tiến độ thu, đánh giá các nguồn thu còn tiềm năng, các ngành nghề lĩnh vực còn thất thu; tăng cường thu từ tiền sử dụng đất, thuê đất.
Chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh; tập trung giải quyết nhanh nhất các thủ tục về đất đai, triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư…
Các cơ quan liên quan khác cũng phải tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thu, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính, ngân sách dù thời gian vật chất không còn nhiều. Trong đó, cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ban Quản lý các Khu công nghiệp cần thực hiện tối đa khả năng để đáp ứng nhiệm vụ thu đã đề ra.
Bên cạnh nỗ lực gia tăng nguồn thu, tỉnh cũng chỉ đạo cần cân đối hợp lý các nhiệm vụ chi. Một mặt phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, mặt khác phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Cụ thể, không để chậm giải ngân vốn đầu tư công; tích cực thực hiện công tác thanh, quyết toán nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động giải ngân thực hiện chế độ chính sách, an sinh xã hội, không để chậm, muộn, nợ chế độ.
Các sở, ngành nghiêm chỉnh chấp hành quy định tiết kiệm chi, không đề xuất các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp thiết. Các nhiệm vụ chi đã giao dự toán nhưng không tổ chức thực hiện được do khách quan thì thu hồi để giảm bớt khó khăn trong cân đối ngân sách. Các địa phương ngoài cân đối tối đa nguồn thu, cần thực hiện quy trình sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm nay…