Sau khi có kết luận của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh về các nội dung được chất vấn, giải trình kể từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến cuối tháng 5-2020, nhiều vấn đề đã được giải quyết có hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến, kiến nghị chưa hoặc chậm được quan tâm xử lý dứt điểm. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm hơn nữa của các sở, ngành, địa phương liên quan.
Trong 3 năm 2016-2019, có 34 nội dung chất vấn tại 10 kỳ họp HĐND tỉnh và 21 nội dung được chất vấn, yêu cầu giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Qua thực tế khảo sát mới đây cùng 2 tổ công tác của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện các kết luận tại phiên chất vấn, phiên giải trình của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tại 8 sở, ngành, địa phương và một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung, sau khi có kết luận của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện. Cơ bản, các đơn vị chức năng đều đã vào cuộc triển khai thực hiện những vấn đề mà các đại biểu đưa ra tại các phiên chất vấn, giải trình. Nhờ đó, nhiều nội dung đã được quan tâm giải quyết.
Đơn cử như đối với việc xử lý các dự án không triển khai, chậm triển khai, hoặc triển khai nhưng không đúng với cam kết, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, sau khi đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, tập trung rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, văn bản chấp thuận đầu tư đối với 234 dự án. Riêng trong 2 đợt kiểm tra các dự án đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước hồi tháng 4-2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi 75 dự án. Trong đó, đã xử lý xong trong đợt 1 đối với 34 dự án; số dự án đã ban hành kết luận thu hồi dự án đợt 2 là 41 dự án.
Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Quản lý hành chính Công an T.P Thái Nguyên.
Hay như đối với hoạt động của 20 hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện được đầu tư theo Dự án Năng lượng nông thôn II vay vốn của Ngân hàng thế giới WB (Dự án REII), thì có tới 12 HTX rơi vào tình trạng chậm trả nợ và nợ quá hạn với số tiền lên tới 7,68 tỷ đồng (tính đến giữa tháng 2-2019), trong đó có HTX nợ sang năm thứ 6 liên tiếp… Vấn đề được nhiều đại biểu HĐND quan tâm tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh hồi tháng 4-2019 đó là hướng giải quyết vấn đề này ra sao? Ngay sau Phiên giải trình, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành chức năng, trong đó yêu cầu kiểm tra, thanh tra cũng như có những hướng dẫn đối với hoạt động của các HTX này với nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Nhờ đó, số nợ quá hạn tính đến tháng 8-2020 đã giảm được trên 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các HTX này cũng đã đầu tư xây mới 11 trạm biến áp; cải tạo, nâng công suất đối với 31 trạm biến áp, giúp chất lượng điện được nâng cao…
Ngoài ra, ở nhiều nội dung khác như: Việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác quản lý Nhà nước đối với quy hoạch 3 loại rừng; việc bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung hay trong công tác đào tạo nghề… cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát cũng cho thấy vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc thực hiện kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình.
Cụ thể là nhiều dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ, nhất là các dự án khu dân cư, khu đô thị; tình trạng hồ sơ, thủ tục hành chính giải quyết quá hạn vẫn chưa được khắc phục triệt để; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 chưa được cải thiện, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố (giảm 2 bậc so với năm 2018); chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm đối với các HTX dịch vụ điện hoạt động kém hiệu quả và số nợ quá hạn vẫn lớn; việc thực hiện 4 đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn (giết mổ gia súc gia cầm; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dồn điền đổi thửa và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn) đều chưa hoàn thành các mục tiêu chính, khiến hiệu quả mang lại không cao.
Trong công tác quản lý Nhà nước đối với quy hoạch 3 loại rừng, vẫn còn huyện Võ Nhai chưa thống nhất được quy hoạch đối với diện tích này và còn tới gần 21,8 nghìn ha đất lâm nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Theo đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh chỉ ra sau khảo sát cơ bản sát với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
Có thể nói, việc Thường trực HĐND tỉnh tổ chức khảo sát kết quả thực hiện các kết luận tại phiên chất vấn, phiên giải trình của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến hết ngày 31/5/2020 là một việc làm hết sức cần thiết. Qua đó sẽ giúp các cơ quan liên quan nắm bắt được thông tin, đánh giá được kết quả thực hiện đối với từng vấn đề, cũng như tiến độ giải quyết, những hạn chế tồn tại, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của sở, ngành đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, để các mục tiêu này thực sự mang lại hiệu quả, rất cần sự quan tâm, vào cuộc thỏa đáng của các cấp, ngành liên quan, nhất là người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các kết luận. Qua đó, giúp củng cố lòng tin của cử tri đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.