Cách đây 75 năm, ngày 13/9/1945, chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thành lập các Tòa án quân sự. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của các Tòa án và từ đó đến nay, ngày 13-9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống Tòa án Nhân dân (TAND). Những thành tích đạt được của ngành TAND trong suốt 75 năm qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân...
Những năm qua, hệ thống TAND nói chung, TAND hai cấp tỉnh Thái Nguyên nói riêng không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển của đất nước, địa phương. Chất lượng xét xử của TAND hai cấp trong tỉnh tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ qua từng năm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán được giữ ở mức thấp; việc tranh tụng tại phiên toà tiếp tục được các Toà án triển khai sâu rộng, thực chất.
Riêng trong 5 năm qua, TAND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 26.438 vụ và đã giải quyết 24.602 vụ, đạt tỷ lệ 93,1%. Các Tòa án đã xét xử nghiêm minh, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm hình sự; đặc biệt, đã xét xử thành công các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn; góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển của địa phương; được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và TAND Tối cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. TAND hai cấp trong tỉnh đã giải quyết công bằng, khách quan các tranh chấp, khiếu kiện, góp phần hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong xã hội; bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Thông qua hoạt động xét xử, các Tòa án đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong nhân dân.
TAND tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử điểm để các ngành tố tụng trao đổi nghiệp vụ.
Công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật được TAND hai cấp trong tỉnh tích cực thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và có chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật nước nhà. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, giải đáp các vướng mắc đã được quan tâm đẩy mạnh với nhiều đột phá mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác xét xử.
Mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của TAND tiếp tục được kiện toàn và có nhiều đổi mới theo hướng tiệm cận dần với mô hình tổ chức, hoạt động của một nền tư pháp hiện đại. Thẩm quyền xét xử, giải quyết các vụ việc của TAND không ngừng được mở rộng. Cải cách thủ tục tố tụng tư pháp được triển khai, bước đầu thu được kết quả khả quan, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của xã hội. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mới được Quốc hội thông qua, đã đưa công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án lên một giai đoạn phát triển mới.
Đội ngũ giữ chức danh tư pháp trong TAND hai cấp trong tỉnh không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết các chức danh tư pháp của ngành TAND trong tỉnh đã được bổ nhiệm thông qua thi tuyển; trình độ đội ngũ cán bộ Tòa án được chuẩn hóa một bước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án không ngừng được nâng cao. Tuyệt đại đa số cán bộ, công chức Tòa án có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước và tận tụy với nhân dân. Các Tòa án đã thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu tổ chức được kiện toàn; công tác thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ và xử lý cán bộ, công chức có vi phạm được tiến hành nghiêm minh. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tư pháp từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Đội ngũ Hội thẩm Tòa án cũng không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ án tại các Toà án.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng TAND hai cấp trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức ngày càng được tăng cường, thu được kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hệ thống Tòa án lớn mạnh về mọi mặt. Các Tòa án đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa các mặt hoạt động của Tòa án, bước đầu đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động được nâng cao, đặt nền móng cho việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ hoạt động của Tòa án tiếp tục được tăng cường và có những cải thiện đáng kể.
Lần đầu tiên trong lịch sử, TAND Tối cao đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở cho các Tòa án trong toàn hệ thống. Các hoạt động xã hội được duy trì và đẩy mạnh tại các Tòa án. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ người nghèo, trẻ em khó khăn, đồng bào bị thiên tai bão lụt, cán bộ, chiến sĩ ở nơi biên giới, hải đảo... được duy trì thường xuyên; ngành Tòa án cũng tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do TAND Tối cao cũng như địa phương phát động...
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ngành TAND tỉnh, thời gian qua, nhiều đơn vị, thẩm phán, cán bộ, công chức của TAND hai cấp trong tỉnh đã được Đảng, Nhà nước, TAND Tối cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp huyện trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tòa án tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.