Đó là chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai. Mặc dù Tháng hành động bắt đầu từ ngày 15/11 đến 15/12/2020, nhưng ở thời điểm này các hoạt động chuẩn bị đang được gấp rút triển khai, phổ biến trong toàn tỉnh.
Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân về bình đẳng giới được cải thiện một bước, song vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn đáng báo động. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 200 vụ trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức như: Bạo lực, xâm hại tình dục, bỏi rơi, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần… Đối với phụ nữ, mỗi năm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng tiếp nhận hàng chục trường hợp tư vấn về bạo lực gia đình. Theo nhận định, tỉ lệ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em chưa có chiều hướng giảm, trong đó số lượng các vụ bạo lực có mức độ nghiêm trọng còn cao, đấy là chưa kể những trường hợp chưa được tố giác, phát hiện, thống kê.
Do đó, mục đích của Tháng hành động là nhằm tạo nên một chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động mọi người chủ động, tích cực hành động thực hiện hiệu quả các chính sách về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ, trẻ em, cho các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Đặc biệt, góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại, nhất là vụ việc diễn ra trong môi trường gia đình, trong thời gian dãn cách bởi dịch bệnh COVID-19.
Trong Tháng hành động, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu với đa dạng các hình thức: Trên phương tiện trông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi… Tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề Tháng hành động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sáng tác, sân khấu hóa, hội diễn về bình đẳng giới; thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân, gặp mặt, biểu dương các điển hình, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương…