Những ngày qua, cả nước đều đau đáu hướng về miền Trung ruột thịt, chia sẻ những mất mát mưa bão đã gây ra với đồng bào nơi đây. Rầm rập các chuyến hàng cứu trợ trong Nam, ngoài Bắc đổ dồn về rốn lũ miền Trung. Tuy nhiên, bên cạnh sự thiện tâm của mọi người vẫn còn trường hợp mượn danh cứu trợ để đánh bóng bản thân, cá biệt có trường hợp lợi dụng cứu trợ để trục lợi…
Mọi người đều xúc động khi chứng kiến hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên lao tâm khổ tứ vận động mọi người ủng hộ và trực tiếp đến rốn lũ để cứu trợ đồng bào. Đến nay, số tiền mà cô vận động được đã lên tới trên 100 tỷ đồng. Cư dân mạng cũng chia sẻ nhiều tấm gương tham gia hoạt động cứu trợ miền Trung, trong đó có trường hợp của cô và trò lớp 7, Trường Chu Văn An (T.P Hồ Chí Minh) đập heo đất ủng hộ đồng bào. Rồi, những trường hợp xuyên đêm gói và luộc bánh chưng ở nhiều nơi để kịp vận chuyển về vùng lũ. Ở Thái Nguyên cũng vậy, ngoài các đoàn cứu trợ của tỉnh, nhiều đoàn thiện nguyện tự phát của các nhóm ngày đêm quyên góp quần áo, thực phẩm, thuốc… tập hợp chuyển vào miền Trung. Chúng ta không khỏi xúc động khi được chứng kiến hình ảnh các đoàn xe lớn nhỏ nối đuôi nhau chở hàng cứu trợ gây tắc nghẽn tuyến Quốc lộ 1A những ngày qua.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, nhiều vùng thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình… nước vẫn ngập sâu, cô lập với bên ngoài, việc đưa hàng tiếp tế đến người dân gặp nhiều khó khăn. Không ít trường hợp phải dừng xe cứu trợ ở ngoài Quốc lộ để lội bộ hoặc đi thuyền vào bên trong, rất nguy hiểm vì không am hiểu địa hình. Đáng ngại là đã có trường hợp đoàn thiện nguyện không kết nối với chính quyền địa phương, cứ vận động quyên góp rồi chở đi, khi đến nơi không biết chuyển hàng tiếp tế đến đâu, ai cần, nên đành chất đống ở bên ngoài. Cũng có trường hợp mượn danh nghĩa đi cứu trợ nhưng cốt là để chụp hình đưa lên mạng xã hội nhằm đánh bóng bản thân. Không loại trừ trường hợp lợi dụng từ thiện để trục lợi, ăn chặn tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. Điển hình là trường hợp kẻ gian lập trang facebook mạo danh ca sĩ Thủy Tiên để lừa đảo chiếm đoạt tiền cứu trợ; rồi trường hợp giả vờ xin giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để ăn chặn…
Người dân vùng lũ thiếu thốn đủ đường, nhưng thiếu nhất lúc này vẫn là đồ ăn, nước uống, đồ bảo hộ, vật tư y tế, quần áo và tiền mặt để sửa sang nhà cửa sau lũ. Tuy nhiên, không phải nhà hảo tâm nào cũng hiểu hết điều đó. Do vậy, vẫn còn trường hợp mang đi những mặt hàng cứu trợ không phù hợp, cái người dân cần thì thiếu, cái chưa cần thiết thì lại thừa…
Tấm lòng chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách của nhân dân ta là truyền thống tốt đẹp luôn được gìn giữ và phát huy, nhất là những lúc khó khăn. Cách chia sẻ của cả nước với đồng bào miền Trung ruột thịt lần này cũng thế. Nhưng cũng cần có cách thức cứu trợ sao cho phù hợp, vừa thể hiện tấm lòng san sẻ yêu thương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, vừa phải kịp thời và đạt được hiệu quả cao nhất.