Theo Nghị quyết về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, mục tiêu đề ra là đến năm 2020, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước phải cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ đạt được tương đối thấp, mức trung bình cả nước chỉ xấp xỉ bằng 18%.
Chúng ta đều biết, việc đề ra nhiệm vụ trên của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhất là khi cả nước đang trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường mạng. Đây chính là một trong những giải pháp để cả nước cùng thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đồng thời tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm này, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp bởi các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra, cá biệt có tới 5 bộ, 22 tỉnh đạt tỷ lệ còn ít hơn 10% so với mục tiêu đề ra. Theo bảng tổng sắp tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cả nước, đối với các bộ, ngành hiện chỉ có Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế là hoàn thành 100%, thấp nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt từ 1,85% đến 2,53%.
Với các tỉnh, thành, đứng đầu là hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Tiền Giang, đạt trên 45%, tốp cuối là các tỉnh Cao Bằng, Khánh Hòa, Bắc Giang, từ 0,87% đến 2,25%. Tỉnh Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành với tỉ lệ đạt 14,95%. Như vậy, so với mục tiêu 30% đề ra của Chính phủ, tỉnh ta mới đạt trên ½ kế hoạch. Trước thực tế này, nếu các bộ, ngành, địa phương không thực sự quyết tâm vào cuộc, trong đó vai trò người đứng đầu còn mờ nhạt thì kết thúc năm 2020, khả năng hoàn thành 30% như chỉ đạo là không dễ.
Do vậy, lúc này các bộ, ngành, địa phương không thể chần chừ, nhất là từ nay đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 3 tháng. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp quyết liệt, hiệu quả, tránh hình thức. Theo đó, cần khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020 và xem xét, triển khai theo mô hình nền tảng để tiết kiệm chi phí, thời gian, hướng tới năm 2021 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Thực hiện kết nối cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử gồm: Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ; hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc giúp nâng cấp các dịch vụ từ mức 3 lên mức 4. Hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10-2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối, chia sẻ trên phạm vi cả nước…