Dịch bệnh ở người và trên gia súc, gia cầm đang là vấn đề thời sự được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là khi đại dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Thời điểm này, thời tiết đang chuyển mùa từ Thu sang Đông là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh nói trên phát triển.
Đại dịch COVID-19 tuy đã từng bước được khống chế ở Việt Nam, nhưng thế giới vẫn đang có xu hướng bùng phát mạnh, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Thái Nguyên là địa phương tiếp giáp với các tỉnh, thành lớn trong khu vực, có nhiều biến động về dân số nên không thể chủ quan. Bài học của Đà Nẵng vẫn luôn luôn mới đối với mỗi chúng ta.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, nhưng đã xuất hiện một số bệnh ở người như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết, sởi. Số ca mắc bệnh tay chân miệng là 121 ca, tăng 56 ca so với cùng kỳ năm trước. Riêng từ 1/10-20/10, số ca mắc tay chân miệng là 27 ca, có 4 ca sốt xuất huyết. Cùng với đó, các loại dịch bệnh khác cũng đang tiểm ẩn nguy cơ phát triển trở thành dịch vào giai đoạn chuyển mùa như: Sởi, rubella, cảm cúm, tiêu chảy cấp, liên cầu lợn, viêm đường hô hấp cấp, ho gà…
Trên đàn gia súc, gia cầm, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, gần 10 tháng qua, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện ở trên 1.120 xã thuộc 49 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số lợn phải tiêu hủy lên tới trên 55.300 con. Tại Thái Nguyên, mặc dù có những biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt, nhưng ngày 16/10 vừa qua đã phát hiện dịch bệnh này tại một hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Phú Đình (Định Hóa) với tổng số lợn ốm chết buộc phải tiêu hủy là 50 con. Hiện nay ổ dịch này đã được chính quyền, cơ quan chuyên môn khoanh vùng, khống chế và triển khai các biện pháp chống dịch đặc biệt. Ngoài dịch tả lợn Châu Phi, nhiều loại dịch bệnh khác như lở mồm, long móng, cúm gia cầm, tụ huyết trùng, tiêu chảy… cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và mọi người dân không được chủ quan trong mọi trường hợp. Đối với các bệnh dịch ở người, nhất là dịch COVID-19, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cần thực hiện tốt thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập đông người - khai báo y tế). Từng cơ quan, đơn vị, từng người dân phải có các phương án, cách thức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Đối với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn Châu Phi cần tăng cường giám sát để sớm phát hiện mầm bệnh, không để bệnh phát triển thành dịch; tổ chức các đợt vệ sinh khử trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao, tại khu vực ổ dịch cũ, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi an toàn; siết chặt các hoạt động kiểm tra cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, từ đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…