Công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh trong những năm qua đã hoàn thành và đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, các chỉ số liên quan đến công tác CCHC của tỉnh liên tục được cải thiện về thứ hạng, vươn lên nhóm đầu của các tỉnh miền núi phía Bắc. Song, khi đánh giá sâu và toàn diện về công tác này của tỉnh, đại diện cơ quan quản lý cấp trên, các chuyên gia và người dân vẫn chỉ ra nhiều điểm cần khắc phục…
Khi tổng kết 10 năm thực hiện công tác này, Ban Chỉ đạo công tác CCHC của tỉnh chỉ đã rõ các Đề án CCHC của tỉnh giai đoạn 2011-2020 thực hiện còn chậm, một số nội dung chưa đạt yêu cầu theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, việc xây dựng đề án thí điểm thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương của các sở, ngành, UBND cấp huyện chưa thực hiện được. Cùng với đó là chưa triển khai ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, một số đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCHC, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác CCHC chưa cao, chưa quyết liệt. Do vậy, khi các đoàn kiểm tra, tự kiểm tra chưa đánh giá đúng thực trạng CCHC, việc chỉ đạo tổ chức xử lý các kiến nghị đối với các đơn vị, địa phương còn chậm.
Đánh giá về công tác CCHC đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh đã chỉ rõ: 10 năm qua, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh; quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những điểm khác biệt của tỉnh tới các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Tuy nhiên, đánh giá sâu, phân tích về các nội dung, vấn đề CCHC vẫn thấy còn nhiều điểm yếu do nguyên nhân chủ quan cần từng bước giải quyết trong thời gian tới như: Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đầu tư con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị để vận hành bộ máy hành chính các cấp theo xu thế số hóa; việc tham mưu của cơ quan chuyên môn 3 cấp trong tỉnh cần tăng tốc độ, sáng tạo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật...
Một nội dung quan trọng trong công tác CCHC của tỉnh cũng nên sớm được hoàn thiện, chuẩn xác đó là việc đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong tỉnh. Bởi, trong thực tiễn đã có một số văn bản quy phạm pháp luật chất lượng chưa cao, còn có nội dung chưa sát với quy định của pháp luật hiện hành dẫn tới khi triển khai bị vướng, kết quả thấp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Khi kiểm tra trên 400 văn bản quy phạm pháp luật do các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên ban hành trong gian đoạn 2016-2019, chúng tôi phát hiện văn bản có nội dung chưa đúng, chưa sát với quy định của pháp luật. Mặc dù nội dung văn bản sai, thiếu không quá nghiêm trọng và để lại hậu quả lớn nhưng cần sớm chỉnh sửa bởi khi áp dụng thời gian dài có nguy cơ xảy ra khiếu kiện, tranh chấp, cản trở cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
Thêm một nội dung nữa là việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế TTHC của các cấp, ngành trong tỉnh chưa được kịp thời dẫn đến trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc cập nhật, rà soát, niêm yết, công khai TTHC (đặc biệt là ở cấp xã) còn chậm, vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn tại một số sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; năng lực giải quyết hồ sơ của một số công chức hạn chế, gây bức xúc đối với cá nhân, tổ chức.
Bà Bùi Thị Nhinh, ở phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhu cầu giải quyết TTHC hàng ngày ở T.P Thái Nguyên rất lớn nhưng từng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chỉ có từ 1 đến 2 cán bộ nên chỉ tiếp nhận hồ sơ từ 8 giờ đến10 giờ 30 phút sáng, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút khiến người dân phải chờ đợi cả buổi, đi lại nhiều lần; hồ sơ có nhiều loại giấy tờ phải kê khai theo mẫu nhưng thiếu cán bộ hướng dẫn, đi lại nhiều cơ quan mới tập hợp đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu. Quá phức tạp nên tôi rất ngại phải đi giải quyết TTHC.
Việc phân cấp quản lý, tăng thẩm quyền cho địa phương đối với một số lính vực chưa toàn diện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương hiện nay chưa thực sự rõ ràng nên chưa phát huy hết vai trò, vị trí trong triển khai thực thi nhiệm vụ, quyền hạn. Điều này cũng gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi phải giải quyết TTHC. Ông Nguyễn Minh Cường, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Minh Hiển cho biết: Một số TTHC về đầu tư dự án phải giải quyết ở cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhưng khi chủ doanh nghiệp đến các cơ quan chuyên môn 3 cấp hướng dẫn không thống nhất, phát sinh thủ tục mới nên mất nhiều thời gian, công sức, gây ức chế.
Ngoài những vấn đã nêu ở trên, trong công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, như: Tình trạng bố trí cán bộ, công chức không hợp lý, thái độ khi giao tiếp còn chưa phù hợp, sách nhiễu, tiêu cực nên buộc phải xử lý kỷ luật (từ năm 2015 đến 2019 có 119 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên). Công tác triển khai và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh hiệu quả chưa cao, tỷ lệ hồ sơ thực hiện thấp nên cơ bản người dân vẫn phải đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC khi có nhu cầu công việc; Việc đánh giá định kỳ trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO của ngành, đơn vị trong tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế, nhất là hệ thống ISO điện tử; Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác CCHC của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc, không đầy đủ nội dung, không kịp thời theo thời gian quy định… Đây là “những hòn đá tảng” cản trở công tác CCHC của tỉnh nên sớm được xử lý dứt điểm.