Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra ngày 16-11 (ảnh).
Tham dự có các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, UBND các huyện, thành thị cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Trong tháng 10 và tháng 11, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại Định Hóa, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên. Hiện nay, ổ dịch tại Định Hóa đã đủ điều kiện công bố hết dịch. Tuy nhiên, ổ dịch tại T.P Sông Công và T.X Phổ Yên có chiều hướng diễn biến phức tạp. Để chủ động ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp - PTNT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương liên quan khoanh vùng dập dịch, tiêu hủy số lợn mắc bệnh. Đối với các địa phương cũng tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi và đường làng ngõ xóm; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường công tác giám sát dịch bệnh…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh sớm cấp bổ sung kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho các địa phương; đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch; kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy vì năm nay, giá thịt lợn cao gấp 2 đến 3 lần so với năm ngoái nên mức hỗ trợ của năm 2019 không còn phù hợp…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Văn Lượng nhấn mạnh, do tính chất của bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm nên nếu bùng phát mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành Nông nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành, thị cần xác định công tác phòng chống, khống chế dịch hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, không được chủ quan, lơ là. Cùng với đó, UBND các địa phương và các đơn vị, sở, ngành liên quan cần quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch của Trung ương, của tỉnh, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Đồng thời, khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp, triển khai họp, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu lơ là để dịch bệnh lây lan nhanh…