Đã thành thông lệ, mỗi năm 2 lần, tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh, đông đảo cử tri trên địa bàn lại dành sự quan tâm đặc biệt để theo dõi cũng như giám sát những nội dung diễn ra tại kỳ họp, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, với mong muốn sớm nhận được sự quan tâm, giải quyết của cơ quan chức năng. Tại kỳ họp này, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị về những vấn đề như thế.
Đã thành thông lệ, mỗi năm 2 lần, tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh, đông đảo cử tri trên địa bàn lại dành sự quan tâm đặc biệt để theo dõi cũng như giám sát những nội dung diễn ra tại kỳ họp, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, với mong muốn sớm nhận được sự quan tâm, giải quyết của cơ quan chức năng. Tại kỳ họp này, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị về những vấn đề như thế.
Ông Nguyễn Ngọc Cương, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi rất phấn khởi trước sự phát triển của tỉnh những năm qua, đặc biệt là việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, hàng vạn lao động trên địa bàn đã được giải quyết việc làm; đời sống của đại bộ phận nhân dân được nâng cao; diện mạo đô thị ngày càng khang trang… Tuy nhiên, tôi cho rằng, vẫn còn những việc thiết thực với đời sống của người dân chưa được quan tâm thỏa đáng, trong khi có những việc không quá quan thiết thì lại dành nguồn lực quá nhiều. Đơn cử như việc ngân sách địa phương có thể dành ra nhiều tỷ đồng để trang trí băng zôn, panô, cờ hoa cho một số sự kiện lớn của địa phương hay của đất nước, trong khi có những phần việc rất thiết thực như tu sửa, làm mới những đoạn vỉa hè hư hỏng, lồi lõm, có chỗ thậm chí còn tạo thành những hốc, hố gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì lại chưa được quan tâm thỏa đáng...
Ở góc độ là người dân đi làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, bà Nguyễn Thị Thu, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Đơn cử như việc mới đây tôi đi làm thủ tục chuyển nhượng ngôi nhà mới mua. Theo quy định, người được giao nhiệm vụ phải đến tận địa chỉ để có căn cứ tính thuế, nhưng họ đã không làm vậy. Vì thế, họ đã tự ý biến ngôi nhà cấp 4, mái lợp tôn, xây cách đây 30 năm thành nhà 2-3 tầng, khung bê tông cốt thép và tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà là 100%. Do xác định sai nên số thuế mà tôi phải nộp (theo thỏa thuận với người bán, tôi phải chịu thuế) nhiều hơn hàng triệu đồng.
Mọi sinh hoạt của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường (Võ Nhai) đang sử dụng nguồn nước giếng khơi, cạnh suối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Còn ông Nông Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai thì chia sẻ: Nước sạch từ nhiều năm nay luôn là một thứ “xa xỉ” đối với cán bộ, giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn xã. Cho đến giờ, toàn bộ khu vực UBND xã, trạm y tế xã và 3 trường học trên địa bàn đều phải sử dụng nước giếng đào chỉ cách bờ suối khoảng 5-6m. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu dòng suối bị ô nhiễm. Đáng ngại hơn là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường thường xuyên có 120-130 học sinh ở nội trú nên 100% nước dùng để sinh hoạt, ăn uống đều từ nguồn này. Tôi mong, tỉnh sớm quan tâm đầu tư cho khu vực trung tâm xã một công trình nước chảy tập trung.
Không có dự án, công trình cũng khổ, nằm trong vùng dự án mà mãi chưa triển khai cũng khổ không kém. Ông Bùi Quốc Tuấn, người dân xóm Bài Lài, xã Tân Quang (T.P Sông Công) bày tỏ: Năm 2018, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh triển khai Dự án xây dựng KCN Sông Công 2 nhưng chỉ có 125 hộ dân được hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, di chuyển, bố trí tái định cư ra nơi ở mới. Còn 23 hộ trong “vùng lõi” thì vẫn “án binh bất động”. Chính vì thế, thời gian qua, chúng tôi phải đi trên con đường mưa lầy, nắng bụi. Chúng tôi muốn biết, Nhà nước có tiếp tục lấy đất của các hộ còn lại đến để thực hiện dự án không? Nếu lấy thì bao giờ lấy, để chúng tôi chủ động xây dựng nơi ở mới. Hiện, chúng tôi không thể sửa chữa nhà ở hay chia tách, chuyển nhượng đất vì nằm trong vùng quy hoạch.
Đối với người dân xóm 2 xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) lại có những băn khoăn, lo lắng khác. Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng xóm 2 mong muốn: Xóm tôi hiện có tới 2 nhà máy xử lý rác thải, một của Công ty cổ phần môi trường Việt Xuân mới, một của Công ty cổ phần Môi trường Thái Nguyên. Cả hai nhà máy này đều có khu vực xử lý rác thải nguy hại. Sau nhiều lần người dân ý kiến thì gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường mới giảm đáng kể. Chúng tôi đề nghị, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên giám sát hoạt động đối với hai nhà máy. Đồng thời, cho dừng việc đầu tư đối với Dự án Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp của Công ty TNHH Môi trường Công nghiệp Thái Nguyên để đời sống người dân không bị ảnh hưởng thêm nữa…
Còn rất nhiều kiến nghị, mong muốn của người dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp mà trong phạm vi một bài viết, chúng tôi chưa thể đề cập hết. Vẫn biết, trong quá trình phát triển của một đất nước hay một địa phương sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn nảy sinh, nhưng nếu cấp ủy, chính quyền các cấp dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết thì chắc chắn sẽ giúp hạn chế tối đa những bất cập. Nói như đồng chí Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh thì: Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, trật tự an ninh được củng cố, mà còn củng cố, nâng cao hơn lòng tin của người dân với Đảng, chính quyền.