Kỳ họp thứ 12 là kỳ họp thường kỳ cuối cùng của HĐND tỉnh khóa XIII. Kỳ họp nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri bởi sẽ có nhiều nội dung quan trọng được thông qua cho cả giai đoạn 2021-2025, đồng thời HĐND tỉnh sẽ tiến hành kiện toàn công tác tổ chức cán bộ sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025... Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung Kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
P.V: Trước hết, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về việc kiện toàn công tác tổ chức cán bộ tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này?
Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Việc kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương cấp tỉnh là cụ thể hóa Đề án Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX. Đây là nhiệm vụ của HĐND tỉnh nhằm củng cố bộ máy chính quyền địa phương sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 theo quy định của pháp luật. Đồng thời là một bước để chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, tại Kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ thực hiện miễn nhiệm và bầu cử các chức vụ chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; Chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh và miễn nhiệm, bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh.
Việc xây dựng một bộ máy hoàn thiện chính là nhân tố quan trọng để chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh giai đoạn 2020-2025.
P.V: Được biết tại Kỳ họp có 4 nghị quyết chuyên đề sẽ được thông qua cho cả giai đoạn 2021-2025, trong đó có Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH. Đồng chí có thể thông tin rõ hơn về nội dung Nghị quyết này?
Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định 5 định hướng lớn của tỉnh và cụ thể hóa các định hướng lớn đó bằng 14 chương trình, 31 đề án, 17 kế hoạch phát triển KT-XH để thực hiện trong giai đoạn 5 năm tới.
Đối với Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020; các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và dự báo xu thế phát triển một số ngành kinh tế chủ đạo, với mục tiêu tổng quát là xây dựng tỉnh ta trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Việc chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển KT-XH ngay từ những tháng đầu của nhiệm kỳ sẽ góp phần tạo điều kiện để các cấp ngành trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống.
Cử tri xã Yên Đổ (Phú Lương) phát biểu tại cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII. Ảnh: Phan Trang
P.V: Một nghị quyết khác cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri đó là quy định khu vực thuộc nội thành, thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Đồng chí dự báo như thế nào về những tác động của nghị quyết này đến đời sống nhân dân?
Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, có khoảng 10% số hộ, cơ sở chăn nuôi ở khu vực trung tâm và một số khu vực dân cư có tỷ lệ đô thị hóa cao. Đây chủ yếu là những hộ, cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, cũng như tác động không tốt đến sự phát triển đô thị.
Bởi vậy, việc ban hành nghị quyết quy định về vấn đề này sẽ từng bước giảm dần và tiến tới ngừng các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả chăn nuôi thấp sang lao động ngành nghề khác có hiệu quả cao hơn, ổn định sinh kế hơn, đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi có cơ hội tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để từng bước chuyển đổi sang hướng chăn nuôi tập trung, hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp phải di dời, người chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí trong lúc khó khăn và các thiệt hại phát sinh khi phải chuyển đổi...
P.V: Về giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong nhiệm kỳ này được đông đảo người dân cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Đồng chí có ý kiến gì về nội dung này?
Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của Thường trực HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ này. Vì thế, đây là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND tỉnh ban hành tới 7 nghị quyết liên quan đến nội dung này. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết của UBND tỉnh đối với những vấn đề xã hội bức xúc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi thấy rằng, nhiều kiến nghị của cử tri đã kéo dài qua nhiều kỳ họp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, như: Dự án Bắc Sơn Sông Hồng; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên...
Cùng với đó, một số nội dung trả lời chưa xác định được lộ trình, thời gian hoàn thành, phương hướng giải quyết dứt điểm và một số hạn chế khác. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đề nghị UBND tỉnh trong thời gian tới cần quan tâm thỏa đáng hơn đến việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từ đó củng cố niềm tin của cử tri đối với cấp ủy, chính quyền các cấp...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!