Tích hợp đồng bộ các chính sách để giảm nghèo bền vững

03:44, 11/12/2020

Đó là nội dung Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra ngày 11-12. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chủ trì. 

Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Nghị quyết về giảm nghèo.

Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong giai đoạn 2016-2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019, cả nước đã giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, cần khắc phục trong giai đoạn tới như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm...

Đối với tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 có trên 48 nghìn hộ, chiếm 13,4% và trên 28 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 8,9%, đến nay, đã giảm xuống còn 2,85%, giảm bình quân mỗi năm 2,11%, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Đạt được kết quả trên là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp và sự đổi mới hệ thống chính sách đồng bộ hỗ trợ giảm ghèo trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp. 

Những bài học, kinh nghiệm cùng các bất cập, khó khăn đã được thảo luận tại hội nghị đánh giá cụ thể, nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; biểu dương những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo và định hướng công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030. Từ đó góp phần quan trọng để công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phong trào “thoát nghèo, làm giàu” đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn trong những năm tới đây.