Võ Nhai tích cực chống rét và chống dịch cho vật nuôi

08:42, 13/01/2021

Mùa Đông năm nay, huyện vùng cao Võ Nhai vừa thực hiện chống rét cho vật nuôi đồng thời cũng phải triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Dù khó khăn nhưng công tác này đã được các ngành chức năng, địa phương trong huyện triển khai nghiêm túc, hiệu quả.

Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường khiến nhiệt độ nhiều nơi ở Võ Nhai xuống thấp, cá biệt có nơi xuống tới dưới 5độ C. Theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã Bình Long, bà Hoàng Thị Khanh, xóm Cây Trôi (xã Bình Long) đã cho sửa sang lại chuồng trại, xây thêm tường, mua thêm bạt quây để tránh rét cho gần 20 con trâu, bò của gia đình. Bà còn cho chúng ăn ngô xay đun nóng để tăng dinh dưỡng. Ngoài việc chủ động tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ mỗi tuần, bà đã phối hợp với cán bộ thú y xã tiêm thí điểm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò của gia đình.

Xã Bình Long hiện là địa bàn “nóng” của huyện Võ Nhai về phòng chống dịch, chống rét. Trung tuần tháng 11-2020, trên địa bàn xã đã xuất hiện gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau đó, với sự hỗ trợ từ các phòng chức năng của huyện, xã đã triển khai các biện pháp dập dịch như: Lập chốt kiểm dịch; tiêu hủy gia súc chết do bệnh viêm da nổi cục; phun thuốc khử trùng tại ổ dịch và khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao; yêu cầu bà con không chăn thả rông gia súc… Đặc biệt, xã cũng thực hiện tiêm thí điểm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho 250/500 con trâu, bò.

Trao đổi với chúng tôi, ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long chia sẻ: Tính đến nay, toàn xã đã có 16 con trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục trong đó có 2 con bê đã chết. Dù đã kiểm soát được dịch bệnh, không để bệnh lây lan ra diện rộng từ cuối tháng 12-2020 nhưng chúng tôi vẫn xác định tiêm vắc xin là giải pháp an toàn nhất để phòng dịch trên địa bàn.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, Bà Hoàng Thị Khanh, xóm Cây Trôi (xã Bình Long) nhốt đàn trâu bò và tăng cường dinh dưỡng chống rét cho trâu, bò của gia đình.

Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có khoảng 8,8 nghìn con trâu, bò; trên 28 nghìn con lợn và khoảng 600 nghìn gia cầm. Ngay sau khi phát hiện dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại xã Bình Long, UBND huyện Võ Nhai đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã khẩn trưởng triển khai các biện pháp dập dịch.

Đối với các xã, thị trấn chưa phát hiện trâu bò mắc bệnh, huyện yêu cầu thành lập các tổ phun hóa chất, tổng vệ sinh, phun thuốc diệt ruồi, muỗi, ve… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh. UBND huyện cũng phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai tiêm phòng thí điểm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Sau hơn 1 tuần triển khai, huyện đã tiêm cho 900 con trâu, bò trên địa bàn xã Bình Long và hai xã giáp ranh, có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh là xã Dân Tiến và xã Liên Minh.

Song song với các biện pháp phòng, chống dịch, UBND huyện Võ Nhai triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi do ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh. Theo đó, huyện đã yêu cầu các ngành chức năng và các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăn nuôi sửa chữa, che chắn chuồng trại, giữ nền chuồng luôn khô ráo, bảo đảm đủ chất độn lót chuồng cho vật nuôi nằm; đưa gia súc về nuôi nhốt trong chuồng; dùng bao tải, chăn, vải cũ làm áo ấm mặc cho vật nuôi, không cho vật nuôi làm việc để tránh kiệt sức; đốt trấu, củi, than hoặc thắp đèn để sưởi, giữ ấm chuồng nuôi; bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, bột ngô, bột gạo cho gia súc, gia cầm ăn uống đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng và hợp vệ sinh….

Nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả phòng, chống dịch, chống rét nên đến thời điểm hiện tại, dịch viêm da nổi cục trên địa bàn đã được không chế; 14/16 con trâu, bò mắc bệnh cũng đã được chữa khỏi; toàn huyện cũng không có trâu, bò, vật nuôi bị chết do thời tiết lạnh giá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Dù đã cơ bản khống chế dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi mắc bệnh kịp thời báo cáo chính quyền và cơ quan thú y, tuyệt đối không được bán chạy gia súc ốm, mắc bệnh đồng thời tăng cường công tác truyền thông để người dân không chủ quan trước thời tiết giá rét, thực hiện chống rét cho vậy nuôi đầy đủ.