Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự thay đổi và phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạng mẽ và sâu rộng. Việc chuyển đổi tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân...
Vậy, chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu, làm gì để chuyển đổi số? Đó là một trong những câu hỏi khiến không ít người còn đang tìm lời giải. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì chuyển đổi số đơn giản là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số.
Vậy, đâu là những việc cần làm để định hình chiến lược chuyển đổi số? Việc này chỉ cần người lãnh đạo tại mỗi địa phương, mỗi ngành quyết định chuyển đổi cái gì, còn làm việc đó như thế nào là việc của các nhà chuyên môn và doanh nghiệp công nghệ số. Để chuyển đổi số, nên làm theo thứ tự, điều gì buộc phải làm thì nên làm trước. Tiếp đến, cần ưu tiên những dịch vụ khi triển khai trên môi trường số sẽ đem lại kết quả vượt trội. Việc đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến là một ví dụ. Cuối cùng là ưu tiên những sản phẩm, dịch vụ có thể tạo ra các giá trị, dịch vụ mới khi được đẩy lên môi trường số.
Tỉnh ta đã sẵn sàng bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số bằng việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa thông qua Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với ba trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thái Nguyên cũng như các địa phương khác trong cả nước, chuyển đổi số đang ở giai đoạn đầu có đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được quan tâm đầu tư xây dựng các hệ thống dùng chung như: Thư điện tử, quản lý văn bản đi đến, cổng, trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, giao ban điện tử; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương.
Việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 phục vụ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử đạt 34,87%. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại: Mạng lưới cáp quang được kéo đến 98% số xóm, bản, tổ dân phố, trong đó 52% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, tốc độ cao. Toàn tỉnh có 1.650 điểm thu phát sóng cung cấp dịch vụ điện thoại di động, truy nhập Internet đến 99% số xóm, bản, tổ dân phố, trong đó gần 70% số thuê bao có sử dụng dịch vụ truy nhập Internet 3G, 4G. Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số đang được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế: Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, năm 2019 xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố; nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn chưa chủ động trong tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; chuyển đổi số là vấn đề mới, đặt ra nhiều thách thức cả về mặt kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Việc đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp (xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố); số doanh nghiệp công nghệ thông tin để phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều, toàn tỉnh có 1.149/7.431 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến công nghệ thông tin nhưng chỉ có 175 doanh nghiệp phát sinh thuế. Mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông năm 2019 xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Từ thực trạng của địa phương, đồng thời nắm bắt xu thế chuyển đổi số, tỉnh đặt ra mục tiêu tổng quát là hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Để biến mục tiêu ấy thành hiện thực, chúng ta phải có giải pháp cụ thể, trước mắt cần tập trung vào: Xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi số của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thu hút đầu tư các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng. Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, bắt đầu từ các đô thị, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện bảo đảm sự kết nối, liên thông. Tập trung nâng cấp mạng di động 4G; tích cực triển khai hạ tầng mạng di động 5G.
Hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu,… phục vụ hoạt động các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt. Tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số. Xây dựng đô thị thông minh, trước mắt quan tâm đầu tư nguồn lực cho 3 đô thị (T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên), trong đó tập trung vào các nội dung: Xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, việc chuyển đổi số chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.