Với vai trò là cầu nối nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên nông dân, những năm qua, hoạt động của các Câu lạc bộ (CLB) Nông dân với pháp luật đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tại cơ sở.
Theo ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Mô hình CLB Nông dân với pháp luật thực hiện theo Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND cùng cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”. Đây là mô hình sinh hoạt pháp lý tự nguyện của cán bộ, hội viên nông dân có cùng nguyện vọng tìm hiểu pháp luật, thông tin pháp luật. Từ đó nâng cao ứng xử hành vi pháp luật của các thành viên, làm nòng cốt để phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật; cùng ban hòa giải địa phương tiến hành các biện pháp hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp.
Sự ra đời của CLB Nông dân với pháp luật ở các địa phương đã góp phần tạo ra phong trào tham gia tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật trong hội viên, nông dân. Được triển khai từ năm 2016, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 15 CLB tại 9/9 huyện, thị, thành, với trên 600 thành viên tham gia. Trong đó, thành phần nòng cốt của các CLB là cán bộ Hội, ngoài ra còn có cán bộ làm công tác mặt trận, công an viên, trưởng xóm và hội viên, nông dân tiêu biểu của địa phương. Các CLB đều có quy chế hoạt động cụ thể, duy trì sinh hoạt thường xuyên theo định kỳ. Nội dung các buổi sinh hoạt tập trung vào việc phổ biến một số chuyên đề pháp luật phù hợp với thực tế địa phương như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Tố cáo, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản của các cơ quan cấp trên… Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn, giải đáp về pháp luật cho hội viên, nông dân. tham gia hòa giải, giải quyết mâu thuẫn và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
CLB Nông dân với pháp luật thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) được Hội Nông dân tỉnh chọn làm mô hình điểm, thành lập từ tháng 6-2016 với 41 thành viên, đến nay có 58 thành viên. Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ nhiệm CLB Nông dân với pháp luật của thị trấn Hương Sơn cho biết: Trước đây, nhiều hội viên nông dân do không am hiểu pháp luật nên khi vướng những vấn đề liên quan đến pháp luật thì họ rất bị động. Nhiều người khi bị xâm phạm đến lợi ích chính đáng đã khiếu kiện không đúng nơi, vượt cấp, kết quả mang lại không cao. Kể từ khi CLB ra đời, các vấn đề trên đã được cải thiện đáng kể. Những xích mích ở địa phương phần lớn là tranh chấp ngõ xóm, bờ ruộng, thừa kế, hôn nhân gia đình… được giải quyết kịp thời, thấu đáo. Hơn 4 năm hoạt động, CLB đã phối hợp tổ chức hòa giải thành công trên 20 vụ mâu thuẫn tranh chấp đất đai, tài sản; mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, không có tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các CLB đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng những hình thức đa dạng, phong phú, như: Tổ chức các diễn đàn, hội thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép trong các chương trình của Hội; tổ chức sưu tầm tài liệu, xây dựng tủ sách pháp luật… Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt, CLB còn thường xuyên mời các chuyên viên của huyện về hướng dẫn, tư vấn, giải đáp cụ thể cho hội viên những vấn đề còn vướng mắc hay những điều luật nào chưa rõ. Nhờ hoạt động tích mô hình cực của mô hình này, năm 2020, các CLB đã cùng Hội Nông dân các cấp tổ chức trên 400 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 25 nghìn lượt hội viên, nông dân.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ma Doãn Hùng cho biết thêm: Thông qua hoạt động của các CLB còn tạo điều kiện giúp mỗi hội viên trở thành tuyên truyền viên pháp luật tích cực vận động người thân trong gia đình, cư dân nơi cư trú chấp hành pháp luật. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình này.