Theo kết quả vừa công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 11 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2019. Điều này phần nào cho thấy những nỗ lực của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, nếu xét về tổng điểm thì tỉnh ta bị giảm từ 67,71 điểm xuống 66,56 điểm và chất lượng xếp hạng từ tốt xuống khá.
Trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI năm 2020 (chuẩn hóa trên thang điểm 10), Thái Nguyên có 6 chỉ số tăng điểm, gồm: Chi phí thời gian, gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền tỉnh, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phúc Sơn, ở phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) đánh giá: Tôi thấy các thủ tục hành chính (TTHC) ngày càng được các sở, ngành và chính quyền địa phương thực hiện niêm yết công khai; cùng với đó là từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết; cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật liên quan để doanh nghiệp (DN) tra cứu. Nhờ đó, DN đã chủ động hơn trong việc giám sát thực thi công vụ của cán bộ công chức, giảm chi phí không chính thức và rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC…
Ngoài ra, trong năm vừa qua, cộng đồng DN cũng ghi nhận và đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Cùng với đó là các gói hỗ trợ của Chính phủ được triển khai kịp thời đã góp phần tích cực giúp các DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Còn theo ông Miao Cheng Xiang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trina Solar Energy Development Pte Ltd, chủ đầu tư Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar ở Khu công nghiệp Yên Bình: Trong quá trình thực hiện Dự án, chúng tôi luôn nhận được sự thân thiện, thái độ làm việc trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Ví như tại buổi làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành trong tháng 1 vừa qua, Công ty đã được hỗ trợ giải quyết ngay những vướng mắc, như: Hướng dẫn xác nhận sản phẩm của Công ty thuộc danh mục công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; thủ tục bảo lãnh cho 350 chuyên gia, người lao động của đơn vị nhập cảnh vào tỉnh; mở rộng quy mô dự án... Nhờ sự hỗ trợ này nên Dự án dù mới được triển khai hồi cuối năm 2020 nhưng dự kiến có thể đi vào hoạt động từ tháng 6 này.
Thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên của tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện, toàn tỉnh hiện có 7.650 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 105,8 nghìn tỷ đồng. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh ở một số lĩnh vực vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong số 4 chỉ số giảm điểm, đáng chú ý là chỉ số tính minh bạch giảm từ 6,69 điểm năm 2019 xuống 5,85 điểm và chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN giảm từ 6,05 điểm xuống 5,63 điểm. Đây cũng là những chỉ số có số điểm thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần. 2 chỉ số giảm điểm khác là cạnh tranh bình đẳng và đào tạo lao động, lần lượt là 6,29 và 7,42 điểm.
Theo VCCI và USAID thì tính minh bạch được hiểu là việc DN có được tiếp cận những thông tin quan trọng, gồm các tài liệu liên quan đến quy hoạch, kế hoạch đầu tư công… hay không? Đại diện một số DN cho rằng, việc cung cấp những thông tin này đến DN những năm qua tuy đã có thay đổi song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, có những thông tin nằm trong danh mục được công khai nhưng DN lại chưa kịp thời được tiếp cận. Hay như việc tham gia đào tạo lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nên DN phải đào tạo lại khi tuyển dụng …
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho rằng: Cộng đồng DN mong muốn tỉnh có thêm những giải pháp hỗ trợ DN về xúc tiến đầu tư, tìm hiểu thị trường, tạo cầu nối liên kết, hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công và triển khai, phát triển các dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ đô thị, thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp... để tạo điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
Còn theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Điện tử Quang Thái (T.P Thái Nguyên): Để tăng tính minh bạch, tỉnh có thể lồng ghép vào nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số của Tỉnh ủy. Đối với dịch vụ hỗ trợ DN, tuy năm 2020, tỉnh đã triển khai các chính sách theo chỉ đạo, song dường như vẫn chưa chạm đến nhu cầu thực của DN. Vì thế, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh cần tiến hành khảo sát đối với các DN, nhất là DN vừa và nhỏ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và khó khăn mà DN gặp phải. Trên cơ sở đó sẽ có cái nhìn cụ thể hơn để xây dựng hoặc đề xuất với Trung ương ban hành các chính sách thiết thực nhất dành cho DN...
Có thể nói, với tổng số 69,54 điểm của 10 chỉ số thành phần PCI năm 2020 trên thang điểm 100, chính quyền tỉnh Thái Nguyên hiện còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao điểm số và tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, để làm được việc này, bên cạnh sự năng động của chính quyền tỉnh, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền cơ sở, nhất là từ người đứng đầu, từ đó nhằm hiện thực mục tiêu Đảng bộ tỉnh đưa ra đó là phấn đấu ổn định và nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh.