Dù mới tổ chức chưa lâu nhưng cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND” (viết tắt là Cuộc thi) do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (viết tắt là Hội đồng) đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả để người dân nắm vững Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, một số quy định của pháp luật về bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Khanh, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), đại diện đơn vị trực tiếp tham mưu cho Hội đồng về việc tổ chức Cuộc thi, cho biết: Cuộc thi được tổ chức nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên toàn tỉnh. Qua đó còn nhằm phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử.
Để Cuộc thi lan tỏa rộng rãi trong xã hội, Sở Tư pháp - cơ quan trường trực Hội đồng đã gửi kế hoạch, thể lệ cuộc thi đến các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... trong toàn tỉnh để tuyên truyền cho đông đảo cán bộ, công nhân viên chức (CNVC), doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân biết và tham gia. Người tham gia dự thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet theo Bộ câu hỏi được thiết kế sẵn trong thời gian tối đa 20 phút/lần thi (gồm 10 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu dự đoán số người tham gia trả lời đúng các câu hỏi). Hệ thống câu hỏi được xây dựng dễ hiểu với các vấn đề như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc nào? Trường hợp nào sau đây cử tri có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu? Trong quá trình tổ chức bầu cử, Tổ bầu cử xử lý như thế nào đối với cử tri đang bị cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị COVID-19 theo quy định của pháp luật?... Thời gian tổ chức cuộc thi là từ 00 giờ ngày 10/4/2021 đến hết ngày 30/4/2021.
Đoàn Thanh niên khối các trường học của tỉnh tham gia cuộc thi.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, CNVC cách thức dự thi. Đồng chí Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn thông tin: Xác định công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một nhiệm vụ trọng tâm của tuổi trẻ Thái Nguyên, thời gian qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn tổ chức tuyên truyền thông qua cụm loa phát thanh, phát thanh lưu động, phối hợp rà soát và lập danh sách cử tri tại địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc bầu cử trên các trang mạng xã hội, fanpage của đơn vị, qua sinh hoạt chi đoàn và thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử. Hưởng ứng cuộc thi do Bộ Tư pháp và Hội đồng tỉnh tổ chức, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội tổ chức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia, góp phần đưa những thông tin về cuộc bầu cử đến gần hơn với cử tri trẻ.
Theo thống kê, tính đến hết ngày 16/4/2021, sau 6 ngày phát động, đã có trên 12.000 lượt người tham gia dự thi. Cô giáo Bùi Thị Hạnh, Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long (Đồng Hỷ) chia sẻ: Bản thân tôi thấy hệ thống các câu hỏi rất dễ hiểu, hình thức thi tiện lợi. Thông qua việc tham gia cuộc thi, chúng tôi có cơ hội để hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của cử tri, đặc biệt là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan... Còn theo anh Tạ Văn Chư, ở xóm Ba Tầng, xã Nga My (Phú Bình): Tôi biết đến Cuộc thi trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Với 10 câu hỏi trắc nghiệm kiến thức về bầu cử, tôi trả lời đúng toàn bộ. Tham gia Cuộc thi, tôi đã có nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc bầu cử. Từ đó nâng cao trách nhiệm, ý thức của mình trong việc sáng suốt lựa chọn những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân...
Chỉ còn hơn một tháng nữa là cử tri cả nước sẽ nô nức tham gia bầu cử. Ðể cuộc bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về bầu cử đóng vai trò quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội. Việc tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử với phương thức sáng tạo, hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn sẽ góp phần tích cực vào sự thành công của Cuộc bầu cử. Và cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND” là một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả giúp nhân dân nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật và các thông tin mới của Cuộc bầu cử. Từ đó, lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào Quốc hội và HÐND các cấp; tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.