Nỗ lực xây dựng tỉnh công nghiệp

08:25, 14/05/2021

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của mình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong dòng chảy chung đó, ngành Công Thương Thái Nguyên có thể tự hào về những đóng góp xứng đáng với vai trò là “chiếc nôi” của ngành công nghiệp luyện kim cả nước và đến nay là tỉnh đứng tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Với những kết quả đã đạt được, Sở Công Thương Thái Nguyên đang được Nhà nước xem xét tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ đã thành lập Bộ Kinh tế. Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, đây được coi là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành Công Thương. Từ năm 2008, Chính phủ quyết định lấy ngày 14-5 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với những phong trào thi đua như: “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”…, cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái tham gia lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Công Thương tiếp tục khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp rất lớn vào tổng GDP cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động. Ngày càng có nhiều công trình, dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại được triển khai, cung ứng những sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Cùng với ngành Công Thương cả nước, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương Thái Nguyên đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, có những đóng góp đáng tự hào cho sự phát triển chung của đất nước và của tỉnh. Từ những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Thái Nguyên đã từng bước tạo dựng lên những cơ sở công nghiệp vững chắc, điển hình nhất là Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên và hàng loạt đơn vị như: Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Than Quan Triều, Cơ khí 3-2, Gỗ Tháng Tám, Giấy Hoàng Văn Thụ, Gạch Tân Long, Khu cơ khí Gò Đầm…, tạo ra những sản phẩm quan trọng phục vụ nhu cầu kiến thiết và bảo vệ đất nước.

Công ty CP Phụ tùng máy số I (T.P Sông Công) là một nhà máy sản xuất cơ khí được hình thành sớm, hiện đang phát triển và thích ứng tốt với cơ chế thị trường. Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất của Công ty. Ảnh: T.L

Bước vào giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành Công Thương Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh và tiếp tục có những đóng góp nổi bật. Ngay trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, tham mưu để tỉnh hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển công, thương nghiệp mà Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, năm 2020 đạt trên 783.000 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), gấp 2 lần năm 2015 và đứng thứ 4 cả nước; tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm (2015-2020) đạt 15,77%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh không ngừng tăng, năm 2015 chiếm 53,4%, đến năm 2020 tăng lên 57,8%. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng nhanh, phù hợp với xu thế phát triển và chủ trương hiện đại hóa công nghiệp của Đảng, Nhà nước.

Cùng với đẩy mạnh thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đưa Thái Nguyên trở thành một trong những “điểm sáng” về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5/7 khu công nghiệp đã và đang được đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 61%; 26/35 cụm công nghiệp được thành lập với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 44%; trung bình mỗi năm có khoảng 250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp thành lập mới. Hạ tầng hệ thống điện thường xuyên được chú trọng đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, 100% xóm, bản trong toàn tỉnh đã có điện lưới Quốc gia. Đó là nỗ lực lớn của tỉnh nói chung, ngành Công thương nói riêng trong điều kiện ngân sách còn khó khăn.

Những năm qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiện ích với nhiều loại hình, hạ tầng dịch vụ hiện đại kết hợp truyền thống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn năm 2020 đạt 40.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 11,8%/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 66.000 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, tăng bình quân 6,5%/năm. Đặc biệt, những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên tăng trưởng đột biến và hiện đứng thứ 4 cả nước, riêng năm 2020 đạt gần 26,7 tỷ USD, gấp 1,6 lần năm 2015…

“Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những thuận lợi, khó khăn khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Thái Nguyên luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Đồng chí Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định. Đồng chí Giám đốc Sở cũng cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, Sở Công Thương đang tập trung cao độ cho việc tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án trọng điểm của ngành. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả; tích cực đổi mới quản lý, điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của cả tập thể để đạt nhiều thành công hơn nữa…