Xuất hiện từ năm 2014, đến nay A/H5N8 đã xuất hiện ở 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là chủng vi rút có độc lực cao gây bệnh trên gia cầm, khả năng lây lan rất nhanh, phạm vi rộng.
Tại nước ta, hiện chủng vi rút này đã được phát hiện ở 3 tỉnh là Cao Bằng, Quảng Ninh và Hòa Bình. Là địa phương có hoạt động chăn nuôi gia cầm lớn, lại gần với các tỉnh nói trên, nên nguy cơ xuất hiện dịch cúm A/H5N8 tại Thái Nguyên không nhỏ. Do đó cần phải có các biện pháp phòng, chống tức thời, hiệu quả.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Nguyên nhân là bởi, nước ta có chung đường biên giới khá dài với các nước trong khu vực, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa Việt Nam và các nước diễn ra thường xuyên.
Đặc biệt, các loài chim hoang dã (được cho là đối tượng lây nhiễm vi rút cúm A/H5N8 đầu tiên) ở các nước có thể xâm nhiễm vào Việt Nam. Hơn nữa, vi rút này mới xuất hiện lần đầu ở nước ta nên kinh nghiệm và điều kiện phòng, chống dịch chưa nhiều, dễ khiến các địa phương lúng túng trong xử lý.
Thời điểm này, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm nuôi, nên nguy cơ nhiễm vi rút cúm lại càng cao.
Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống vi rút cúm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, từ đầu năm đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng vi rút A/H5N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng vi rút khác nhau gây ra. Đáng lưu ý, tháng 2-2021, có 7 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có bằng chứng vi rút cúm A/H5N8 có thể lây từ người sang người. |
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng ngay lập tức quán triệt các sở, ngành, địa phương, đơn vị nêu cao cảnh giác ngăn chặn loại vi rút nguy hiểm này xuất hiện trên địa bàn. Theo đó, chính quyền các địa phương phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát, phát hiện gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm, để kịp thời có biện pháp phòng, chống dịch.
Yêu cầu người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm ra môi trường; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi; không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm. Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại thường xuyên để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Rà soát, tổ chức tiêm vắc - xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ...
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm trái phép, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chú trọng công tác giám sát, phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm, tổ chức lấy mẫu gửi chẩn đoán xét nghiệm để đưa ra các biện pháp chống dịch hiệu quả. Kiểm tra hoạt động kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ, siêu thị góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm…
Qua đây, một lần nữa có thể khẳng định, vi rút cúm gia cầm A/H5N8 là chủng có độc lực cao lại rất mới với chúng ta, nên dù chưa xuất hiện ở Thái Nguyên nhưng rất cần sự quan tâm, nêu cao cảnh giác của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm để có thể chủ động phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm.