Là một huyện thuần nông của tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua Phú Bình đã có những bứt phá, chuyển động mạnh mẽ; các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp lần lượt mọc lên; hạ tầng nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Không bằng lòng với thành quả đạt được, huyện thuần nông này đang mang trong mình khát vọng lớn.
Không bằng lòng với thành quả
Là một huyện thuần nông, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), điểm xuất phát của huyện Phú Bình rất thấp, bình quân chỉ đạt 5-7 tiêu chí/xã, người dân thuần phác, thế nhưng huyện đã có bước đi, cách làm phù hợp. Đấy là sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của tỉnh, của Nhà nước, phát huy nội lực, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng nên hăng hái hiến đất, góp sức, góp tiền xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đường vành đai 5 chạy qua phía Nam của Phú Bình đang được định hình, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Người dân phát huy tiềm năng đất đai, vùng gò đồi Tứ Tân nuôi gà dưới tán rừng có thương hiệu, vùng phía Nam cấy lúa đặc sản, chăn nuôi trang trại, mỗi nơi một sản phẩm đặc trưng nên đến hết năm 2020 tất cả các xã của Phú Bình đều đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh có được kết quả này. Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, năm 2020 giá trị sản xuất đạt 2.400 tỷ đồng, nhưng so với sản xuất công nghiệp thì chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, bởi giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, gấp gần mười lần sản xuất nông nghiệp.
Là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp với tỷ trọng xuất, nhập khẩu lớn, sản xuất nông nghiệp hàng hoá nên năm 2020 huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 và dịch bệnh trong chăn nuôi, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng 13% và nông nghiệp tăng 3,7%, cho thấy nỗ lực để phát triển, đưa thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người, tăng gần 10% so với năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 2%.
Tuy nhiên, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Ngô Quyết chia sẻ: “Không bằng lòng với kết quả đạt được, huyện chúng tôi đặt ra mục tiêu cơ bản trở thành thị xã trong năm năm tới. Đây là thách thức rất lớn, nhưng với khát vọng vươn lên, lại được tỉnh hỗ trợ tháo gỡ những điểm nghẽn, có bước đi và cách làm phù hợp, chúng tôi tin rằng Phú Bình sẽ làm được”.
Những điểm nghẽn mà vị Bí thư muốn nói đến là kết cấu hạ tầng giao thông và nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội hạn chế. Vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều, quốc lộ 37 và tỉnh lộ 266 trên địa bàn huyện nườm nượp công nhân đến các khu, cụm công nghiệp và trở về nhà; xe cộ và phương tiện nối đuôi nhau trên đường, có thời điểm ắch tắc giao thông.
Phú Bình nằm ở vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, tiềm năng đất đai rất lớn, gần các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đang phát triển nhanh, sát với thị xã Phổ Yên năng động và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên nên đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhưng thiếu nguồn lực để giải phóng mặt bằng với diện tích rất lớn để thu hút đầu tư; để có thể giải phóng được mặt bằng thì cũng cần số vốn lớn để xây dựng các khu dân cư, khu đô thị. Phát triển hạ tầng giao thông, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu dân cư, cả ba việc này, mỗi năm cần hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó ngân sách của huyện, của tỉnh lại eo hẹp, không thể đáp ứng.
Phát huy nội lực
Nhu cầu vốn đầu tư của Phú Bình mỗi năm là rất lớn, nhưng Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Ngô Quyết tâm sự: “Chúng tôi chỉ xin tỉnh tạo điều kiện phát triển và cơ chế trong khuôn khổ pháp luật quy định để huyện tự tạo nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội”.
Đến nay, thời cơ cho Phú Bình phát triển đang được tạo ra, đó là tuyến đường 266 nối với T.P Sông Công rộng 15 mét, gấp đôi hiện nay sắp được tỉnh đầu tư nâng cấp; đường vành đai năm chạy xuyên qua phía Nam của huyện rộng hơn 30 mét, nối với thị xã Phổ Yên, cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên ở phía Tây, nối với tỉnh Bắc Giang ở phía Nam đang định hình, không những giải phóng ắch tắc giao thông cho quốc lộ 37 xuyên qua huyện và tuyến đường 266 mà còn tạo ra quỹ đất rất lớn hai bên đường để phát triển công nghiệp, đô thị cho Phú Bình.
Cơ chế mà huyện Phú Bình mong muốn là tỉnh Thái Nguyên cho kéo dài quy định được hưởng tỷ lệ 90% tiền cấp quyền sử dụng đất đến hết năm 2025; cho huyện làm chủ đầu tư xây dựng một số khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn để tạo ra quỹ đất ở, sau đó tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội, đẩy mạnh phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu tái định cư trong quá trình giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư.
Thực hiện các cơ chế trên, huyện Phú Bình sẽ có nguồn lực lớn từ đất để đầu tư các công trình có tính chất lan toả, đó là tuyến đường lớn từ ngã tư Cầu Ca (giáp với tỉnh Bắc Giang) chạy dọc sông Cầu lên Cầu Mây để tránh huyện lỵ Hương Sơn; đoạn nối vành đai năm với quốc lộ 37 và một số tuyến huyết mạch khác. Đây là các tuyến đường kết nối với các địa phương, khu, cụm công nghiệp, không chỉ tạo thuận lợi trong lưu thông, mà còn mở ra không gian đô thị, tạo ra quỹ đất hai bên đường để thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Đường hướng, bước đi, cách làm của địa phương vốn là thuần nông này thể hiện tinh thần tự chủ, khai thông tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và khát vọng phát triển.