Trong phiên thảo luận tổ, 4 tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung trao đổi ý kiến, làm rõ nhiều vấn đề, nội dung xung quanh các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Tại một số nội dung, các đại biểu đã chỉ ra những vướng mắc, hạn chế cần điều chỉnh, bổ sung. Dưới đây, Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021: Các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao công tác điều hành của tỉnh. Đại biểu (ĐB) Vũ Duy Hoàng (Tổ Đại Từ) và ĐB Phạm Thái Hanh (Tổ Định Hóa) cùng nhiều ĐB nhấn mạnh: Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh vẫn hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được tăng trưởng kinh tế, phòng, chống dịch COVID-19 và an sinh xã hội. Điều này thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó có vai trò quan trọng của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
ĐB Lê Thị Thu An (Tổ T.P Thái Nguyên) và một số ĐB đề nghị: Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm chỉ tiêu giải ngân vốn nước ngoài (ODA) đạt thấp (tỷ lệ 22,2%), tỉnh cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp mang tính đột phá của tỉnh để có thể đạt được chỉ tiêu dự ước đạt 55,6% vào cuối năm 2021. Đồng thời đề nghị sớm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Quốc hội đã thông qua. ĐB Trần Văn Khương (Tổ Võ Nhai): Với những thách thức đặt ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tăng cường thu hút đầu tư.
ĐB Phạm Văn Sỹ (Tổ Đồng Hỷ) nêu ý kiến: Tình hình sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn nhất định do giá vật tư, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, giá bán giảm, những tháng cuối năm tỉnh cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Nhấn mạnh hơn về vấn đề này, ĐB Nguyễn Mạnh Hà (Tổ Đại Từ) cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ nhiều nông sản như: Na Na Hiên, chim bồ câu... nhưng vẫn còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa hỗ trợ được như: Gà đồi Phú Bình, lợn trong vùng phong tỏa. Những tháng cuối năm, vấn đề này cần được thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn.
Về Tờ trình quy định chế độ cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh: ĐB Kiều Thị Thao (Tổ Phú Bình) đề nghị có chính sách phù hợp hỗ trợ người làm nhiệm vụ tại các chốt, tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng vì những người này hiện nay cơ bản làm việc không công trong khi đặc thù công việc rất vất vả.
ĐB Nguyễn Thanh Bình (Tổ T.P Thái Nguyên) mong muốn tỉnh nghiên cứu có phương án hỗ trợ thêm cho các đối tượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát trong thời gian trước khi ban hành nghị quyết. Sau khi nghị quyết ban hành, đề nghị các cơ quan nghiên cứu sớm ban hành hướng dẫn thực hiện đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng.
Liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch COVID-19, ĐB Lê Văn Tâm (Tổ T.X Phổ Yên) đề xuất: Hiện nay, tỉnh đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch nhưng một số trường hợp đi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên trốn khai báo y tế, hoặc tìm đường khác vào khi bị yêu cầu quay trở lại, vì vậy phải xem xét và có giải pháp quản lý chặt hơn. Đồng thời không cho phép lợi dụng “luồng xanh” trong vận chuyển hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra y tế, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch. Khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
ĐB Mai Thị Thúy Nga (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị UBND tỉnh báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch theo quy định của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh, đồng thời nêu rõ phương hướng triển khai trong thời gian tới.
Về các tờ trình thông qua chương trình, đồ án, đề án: Liên quan đến Tờ trình thông qua Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035, ĐB Nguyễn Ngọc Tuân (Tổ Định Hóa) và nhiều ĐB cho rằng thời gian qua, một số hoạt động văn hóa như thư viện, tủ sách pháp luật, văn hóa, chiếu phim ở cơ sở chưa thực sự phát huy hiệu quả, về lâu dài đề nghị tỉnh có lộ trình giải quyết vấn đề này; đồng thời băn khoăn về nguồn lực đầu tư và tính hiệu quả của các công trình, dự án, nhất là việc xây mới công trình Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng.
Các đại biểu mong muốn nguồn lực đầu tư nên hướng về cơ sở, đặc biệt quan tâm đến nhà văn hóa của các xóm, tổ dân phố sau sáp nhập.
Với nội dung Tờ trình thông qua Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, ĐB Phạm Việt Dũng (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị sớm ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước để triển khai Dự án cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK) Định Hóa.
Trong Tờ trình đề nghị thông qua Chương trình phát triển giáo dục đào tạo tỉnh, ĐB Đặng Hoàng Nhâm (Tổ Đại Từ) cho rằng Tờ trình có nêu về huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện dự án. Trước đây, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa thường thông qua ban đại diện hội cha mẹ học sinh nhưng không thống nhất, tập trung và không hiệu quả, đề nghị có phương án hiệu quả hơn giải quyết vấn đề này.
Với Tờ trình đề nghị thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ĐB Ma Công Trình (Tổ Định Hóa) trăn trở việc phân loại 3 loại rừng đã triển khai những năm qua nhưng tại một số nơi vẫn chưa dứt điểm cần được sớm giải quyết. Việc hỗ trợ cây giống, vật tư trồng rừng cần được thực hiện sớm để tránh ảnh hưởng đến khung thời vụ.
Về Tờ trình thông qua Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, ĐB Nguyễn Viết Đài (Tổ Phú Bình) đề nghị cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, nhất là việc đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, tránh tình trạng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, trong khi hiệu quả kinh tế và thu ngân sách không cao.
Các ĐB cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác triển khai chương trình, dự án, đề án. ĐB Nguyễn Ngô Quyết (Tổ Phú Bình) đề nghị có cơ chế hỗ trợ việc triển khai các chương trình, dự án, đề án, bố trí nguồn ngân sách để đảm bảo tiến độ. ĐB Dương Xuân Hùng (Tổ Sông Công) cho rằng phải liên tục rà soát lại các đề án, quy hoạch cho giai đoạn tới, ở nơi nào chậm, không phù hợp thì kiên quyết dừng hoặc thu hồi.
Tại phiên thảo luận tổ, các ĐB cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; chế độ bồi dưỡng khi cán bộ được cử đi đào tạo; mức khoán cho các tổ chức, đoàn thể cấp xóm... Đồng thời truyền tải nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đến kỳ họp như: Sớm triển khai thực hiện các dự án ổn định dân cư vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét trên địa bàn tỉnh; siết chặt ngay từ khâu cấp phép trang trại chăn nuôi nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm, cắm mốc ranh giới giữa Vườn Quốc gia Tam Đảo và đất của người dân...