Ngày 24-9, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn (NTM) mới 9 tháng năm 2021 và cho ý kiến vào Đề án Xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025 (ảnh).
Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên có 7 xã đăng ký đạt chuẩn NTM, 8 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên; các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao đều đạt trên 10 tiêu chí trở lên…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên, quá trình thực hiện trong năm 2021 của các địa phương đăng ký năm nay hết sức khó khăn. Nguyên nhân là do việc phân bổ vốn và xi măng còn chậm; phương án sử dụng xi măng có sự thay đổi; dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ, các HTX ảnh hưởng đến việc triển khai và thực hiện nhiều tiêu chí như: Thu nhập, tổ chức sản xuất, hộ nghèo…
Đối với “ Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”, ngay từ cuối năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng Đề án. Hiện nay, dự thảo Đề án đã được cơ quan chuyên môn xây dựng, gửi xin ý kiến góp ý của các địa phương, đơn vị và đang thực hiện quy trình trước khi trình HĐND tỉnh phê duyệt ban hành…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về cơ chế, nguồn lực xây dựng NTM năm 2021; làm rõ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vốn của địa phương trong thực hiện Chương trình; việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình khác; cơ chế hỗ trợ đối với các các xã đặc biệt khó khăn; các xã đăng ký; tiến độ hoàn thiện các tiêu chí NTM tại các huyện… đại diện các địa phương đều khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch của năm nay, đưa các xã đăng ký về đích NTM đúng theo kế hoạch.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Văn Lượng đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để đưa các xã đã đăng ký về đích đúng hẹn. Đồng thời yêu cầu Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh cùng ngành Tài chính rà soát nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ các địa phương khắc phục khó khăn. Các địa phương tăng cường tham mưu cho tỉnh về cơ chế, chủ động nguồn lực để hoàn thành kế hoạch của địa phương mình, của tỉnh, dài hơi hơn là đảm bảo tiền đề cho cả giai đoạn 2021 - 2025.