Phản ánh khách quan về công tác quản lý khoáng sản

08:48, 25/09/2021

Thời gian gần đây, có một số bài báo phản ánh về công tác quản lý khoáng sản của tỉnh chỉ tập trung, quyết liệt thực hiện từ khi Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử lý sử dụng đất, đầu tư xây dựng và tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2010-2018. Điều này là thiếu khách quan, khiến dư luận hiểu sai vấn đề, vì trong thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực nêu trên, nhất là khoáng sản đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành…

Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, là trung tâm luyện kim của cả nước trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã có cả quá trình dài với nhiều thành tích, kinh nghiệm. Cùng đó là các bộ, ngành, các tổng công ty, tập đoàn có đơn vị thực hiện khai khoáng trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm nên phần lớn các điểm mỏ, đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản đều chấp hành nghiêm quy định pháp luật, đóng góp vào ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.

Một số vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, như: Ô nhiễm môi trường; tồn đọng tiền thuế, phí; nguy cơ sạt lở; vận chuyển quá tải trọng… có xảy ra nhưng không phải là phổ biến, kéo dài ở ở tất cả các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Trong Thông báo Kết luận thanh tra số 1113/TB-TTCP ngày 15/7/2021 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Trong giai đoạn 2010 đến năm 2018, tỉnh Thái Nguyên ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật để chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản; những thiếu sót, tồn tại trong hoạt động khoáng sản đã được xử lý và chấn chỉnh kịp thời. Đến nay, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đi vào nền nếp, cơ bản tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản. Công tác chỉ đạo, điều hành được tăng cường, hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên”.

Báo Thái Nguyên nêu nguyên văn phần đánh giá kết quả trong công tác quản lý khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên đã được thể hiện trong Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ để bạn đọc hiểu, tự có nhận định, đánh giá khách quan về vấn đề này.

Mới đây, khi cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố vụ án về vi phạm quy định pháp luật tại Mỏ than Minh Tiến của Công ty CP Yên Phước đã có một số bài báo cho rằng công tác quản lý lĩnh vực này của tỉnh bị buông lỏng. Tuy nhiên, vấn đề sai phạm của doanh nghiệp tư nhân nêu trên đã được chính quyền các cấp trong tỉnh kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm và kiến nghị xử lý vi phạm.

Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND huyện Đại Từ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường tại Mỏ than Minh Tiến. Kết thúc quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện doanh nghiệp này có 3 lỗi vi phạm là: Không kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi phát hiện sự cố môi trường; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên mà không có giám đốc điều hành mỏ.

Các hành vi vi phạm của Công ty CP Yên Phước đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, hoàn thành thủ tục đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính do sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trong vòng hơn 3 năm qua, UBND tỉnh đã 5 lần kiểm tra và ra nhiều quyết định xử phạt Công ty CP Yên Phước với tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Ngoài xử lý vi phạm tại Công ty CP Yên Phước, trong những năm qua, đã có nhiều lượt tổ chức, cá nhân bị chính quyền địa phương trong tỉnh xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Do vậy, những bài báo, thông tin, bình luận trên mạng xã hội về công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh cần khách quan, đúng bản chất, tránh sự quy chụp, động cơ không trong sáng. Mới đây, Sở Thông tin và Truyên thông đã có văn bản gửi một số cơ quan báo chí phản ánh không trung thực, khách quan về công tác quản lý khoáng sản của tỉnh; yêu cầu cầu các cơ quan báo chí này chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí.

Mặc dù công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực như trong Thông báo số 1113/TB-TTCP đã nêu, nhưng đây là vấn đề nóng, tiểm ẩn nhiều phức tạp nên trong nhiệm kỳ 2020-2025 Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh vẫn xác định nhiệm vụ này cần thực hiện quyết liệt hơn nữa. Về phía ngành Tài Nguyên và Môi trường; UBND cấp huyện đã tăng số lượng, thời gian thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, nhất là các dự án do một số doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư để kịp thới hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khi có sai phạm.