Quần chúng nhân dân có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác PCCC, ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 53/LCT công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC”. Ngày 29/6/2001, Kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC.
Trong đó, nguyên tắc PCCC được xác định là: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC; trong hoạt động PCCC, lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra; phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả; mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.
Thực hiện quy định của Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, trong thời gian qua, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chủ động thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp, đầu tư nguồn lực, huy động lực lượng, tập trung làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể như: Chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm tiền đề cho việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC&CNCH và phong trào toàn dân PCCC tại địa phương. Trong đó, điển hình là Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Đề án “Xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2022”.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã thành lập, củng cố, kiện toàn được 2.336 đội dân phòng (đạt 100%) với tổng số 28.728 đội viên; trang bị phương tiện PCCC&CNCH cho 2.336/2.336 đội dân phòng ở các xóm, tổ dân phố, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho 1.905 đội dân phòng với 22.786 đội viên…
Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và công an huyện, thành phố, thị xã tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Tổ chức nhiều hội nghị phát động tập trung, tuyên truyền về công tác PCCC, hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân PCCC; đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền pháp luật, nghiệp vụ về PCCC&CNCH, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác diễn tập, thực tập nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nhân dân trong xử lý các tình huống cháy, nổ.
Xây dựng thành công nhiều mô hình điểm về phong trào Toàn dân tham gia PCCC như: Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “3 biết, 3 có”; tổ dân phố tự quản về an ninh trật tự - PCCC với phong trào “5 không, 5 cùng”. Tiêu biểu như phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” tại Phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên); xây dựng mô hình “Doanh nghiệp kiểu mẫu an toàn về PCCC” tại Công ty CP Sữa Elovi, Công ty TNHH Logictic ASG…
Một cuộc hội thao nghiệp vụ chữa cháy.
Xây dựng và duy trì có hiệu quả hoạt động 4 cụm an toàn PCCC (gồm cụm doanh nghiệp khu vực Gang thép; cụm khu vực Sông Công và cụm an toàn PCCC T.X Phổ Yên, cụm an toàn PCCC Khu công nghiệp Điềm Thụy). Hàng năm, hướng dẫn các cụm tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8) và toàn dân PCCC (04/10) như: Tổ chức kiểm tra chéo giữa các đơn vị trong cụm; tổ chức hội thao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; diễn tập phương án chữa cháy huy động các đơn vị; hội thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng PCCC ...
Những nỗ lực nêu trên đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, phong trào Toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến rõ nét; ý thức, trách nhiệm về PCCC của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân được nâng cao; quần chúng nhân dân, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở đã phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả trên 50% số vụ cháy ngay từ ban đầu, góp phần kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, không để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại như: Một số người đứng đầu cơ sở chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Chính sách, chế độ đối với lực lượng dân phòng tuy đã được quan tâm nhưng chưa được đảm bảo theo quy định của pháp luật nên khó khăn trong việc thu hút người dân tích cực tham gia lực lượng này.
Để tiếp tục triển khai có hiệu qủa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Công an tỉnh tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm như: Chủ động làm tốt chức năng tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ chương, chính sách, pháp luật về PCCC&CNCH; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân PCCC; vận dụng linh hoạt và phát triển sáng tạo phương châm 4 tại chỗ, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCCC&CNCH; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của lực lượng Công an nhân dân, phục vụ tốt nhất những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các cơ quan, đơn vị và người dân; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật PCCC; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền pháp luật về PCCC với xử lý nghiêm các vi phạm quy định an toàn về PCCC; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an huyện, thành phố, thị xã, Công an xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tham mưu UBND cấp xã về công tác quản lý nhà nước về PCCCđối với 17 danh mục được phân cấp quản lý…