Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Trong đó nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thời gian qua, các ngành, các cấp của tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, nên một thời gian dài Thái Nguyên là “vùng xanh” dịch bệnh.
Theo đánh giá chuyên môn, lực lượng cán bộ từ tỉnh đến huyện, nhất là lực lượng tuyến đầu đều rất trách nhiệm, nỗ lực bảo vệ thành trì Thái Nguyên khỏi dịch bệnh. Tuy vậy, trong điều kiện phải thích ứng an toàn, linh hoạt, tiến tới sống chung với dịch bệnh như hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phải trách nhiệm, gương mẫu hơn nữa; không được chủ quan, lơ là hoặc thiếu cảnh giác làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Theo yêu cầu của tỉnh, không chỉ gương mẫu đi đầu, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, nhân dân nơi cư trú thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Không đi đến những vùng, địa phương đang có dịch khi không thực sự cần thiết; trường hợp đi ra ngoài tỉnh trong các ngày nghỉ lễ, thứ Bảy, Chủ nhật, hoặc ngoài giờ hành chính phải được sự đồng ý của thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị trực tiếp hoặc lãnh đạo cấp trên, đồng thời khai báo y tế, cung cấp thông tin theo đúng quy định. Không tổ chức, tham gia các hoạt động tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết như sinh nhật, tân gia, kỷ niệm,… Khuyến khích tổ chức việc hiếu, việc hỷ chỉ mang tính nội bộ gia đình, gọn nhẹ, đúng quy định...
Đặc biệt, nếu để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tỉnh sẽ xem xét xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, tổ chức, tỉnh yêu cầu có phương án bố trí để người lao động ở lại trong tỉnh, hạn chế tối đa việc cho người lao động ra, vào tỉnh và về thăm nhà trong thời điểm này. Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh hoặc PCR cho các trường hợp bắt buộc (mới tuyển dụng, đến hoặc trở về từ các vùng có diễn biến dịch phức tạp, có triệu trứng sốt, ho, khó thở…). Định kỳ tổ chức xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên SARS-CoV-2 cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…
Đây được xem là yêu cầu cấp thiết, phù hợp của tỉnh trong bối cảnh số lượng ca mắc COVID-19 xuất hiện trên địa bàn nhiều hơn trước. Điều này giúp chúng ta có thể chủ động kiểm soát tốt tình hình và thích ứng linh hoạt với điều kiện mới. Qua đó quyết tâm không để dịch lây lan trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần hoàn thành “mục tiêu kép” đã đề ra.