Trồng thay thế cây xanh ở T.P Thái Nguyên: Đổi sắc cho đô thị

07:32, 12/11/2021

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa của tỉnh diễn ra nhanh chóng. Do đó, bên cạnh việc quan tâm phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chú trọng quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh nhằm tạo sự cân bằng môi trường sinh thái, tạo mỹ quan đô thị. Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, T.P Thái Nguyên đang xây dựng chiến lược phát triển cây xanh mang tính dài hơi, phấn đấu từng bước nâng cao chất lượng đô thị.

Thời gian gần đây, trên 2 tuyến đường Hoàng Văn Thụ và Đội Cấn, T.P Thái Nguyên đang thực hiện trồng thay thế cây xanh bóng mát. Gần 400 cây sang đỏ (với đường kính gốc từ 15-20cm, chiều cao 4-5m) đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ trồng thay thế cho các loại cây hiện có.

Mục đích của việc trồng thay thế cây xanh trên địa bàn T.P Thái Nguyên là loại bỏ những cây đã già cỗi, sâu mục; đánh chuyển những cây không hợp lý theo quy định trồng trong đô thị, phấn đấu trên từng tuyến phố được trồng một loại cây đồng bộ. Từ đó, tăng mỹ quan và nâng cao chất lượng đô thị T.P Thái Nguyên. Tổng kinh phí đầu tư cho việc trồng thay thế cây xanh trên địa bàn là trên 10,6 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 7,5 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Theo đại diện cơ quan chuyên môn của T.P Thái Nguyên, trong gần 400 cây bị thay thế có 2/3 số cây khỏe mạnh, có giá trị kinh tế cao (như: Xoài, lộc vừng, sao đen…) đã được đánh chuyển trồng sang vị trí khác theo quy hoạch hoặc chăm sóc tại vườn ươm của Ban Dịch vụ công ích đô thị thành phố. Số còn lại không thể đánh chuyển bởi cây to, bộ rễ rộng hoặc đã già cỗi, sâu mục (như các loại cây: Đinh trống, phượng, bằng lăng…) buộc phải chặt hạ để không làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống ngầm cáp quang.

Các cây bị đánh chuyển khi trồng thay thế được trồng tại vườn ươm của Ban Dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên để phục vụ quy hoạch cây xanh đô thị giai đoạn sau.

Tuy nhiên, việc chặt hạ, di chuyển cây xanh để trồng thay thế bằng các loại cây khác cũng khiến nhiều người dân trên địa bàn thành phố tiếc nuối. Bởi lẽ, để có được những hàng cây tạo bóng mát như hiện nay sẽ phải mất một khoảng thời gian khá dài. Ông Trần Quang Tuấn, người dân ở tổ 6, phường Quang Trung chia sẻ: Sống ở đây hàng chục năm, hình ảnh những con đường rợp bóng cây tạo khoảng xanh mát dịu giữa lòng thành phố đông đúc đã trở nên vô cùng thân thuộc với chúng tôi. Khi cây bị chặt hạ, dãy phố trơ trụi, tôi cảm thấy rất tiếc nuối.

Dù vậy, cả ông Tuấn và nhiều người dân khác đều cảm thấy phấn khởi với phương án trồng một loại cây trên từng tuyến phố. Ông Nguyễn Hưởng, ở phố Nhị Quý, phường Trưng Vương bày tỏ: Tôi thấy các cây mới trồng đều khá to nên khả năng sinh trưởng sẽ nhanh. Chỉ khoảng 2-3 năm nữa, hàng cây này sẽ phát triển xanh tốt, có bóng mát. Lúc đó, tuyến phố Hoàng Văn Thụ - trục chính của thành phố chắc chắn sẽ đẹp hơn rất nhiều bởi sắc xanh của lá và màu đỏ của hoa sang.

Thảo luận về nội dung này, một số chuyên gia cho rằng, trên thực tế, tại các tuyến phố của T.P Thái Nguyên, đa phần các cây được trồng từ hàng chục năm trước nên những tiêu chuẩn, quy cách, phân loại cây trồng đô thị chưa được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Ở nhiều nơi, nhiều khu vực, người dân vẫn tự ý trồng cây theo nhu cầu khiến cho quy hoạch cây xanh của thành phố có sự “lộn xộn”. Việc trồng thay thế các cây hiện có, nhất là những cây già cỗi, sâu mục không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản mà còn tạo sự đồng bộ cho bộ mặt đô thị.

Tuy nhiên,việc trồng thay thế cây xanh bóng mát ở đô thị cũng khiến cho nhiều người dân băn khoăn về điệp khúc “chặt - trồng” hay tuổi thọ của loại cây thay thế. Giải đáp về vấn đề này, các nhà tư vấn cho rằng, sang đỏ là loại cây bóng mát, có tuổi thọ lên tới cả trăm năm, thân cây lại dẻo dai, khó bị gãy đổ. Đặc biệt, cây sang có bộ dễ cọc ăn sâu xuống lòng đất, phù hợp trồng trong đô thị, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Ban Dịch vụ Công ích đô thị (T.P Thái Nguyên) cho biết: Theo kế hoạch, sau khi trồng thay thế, nhà thầu sẽ phải thực hiện lát hoàn trả vỉa hè, bồn cây theo hiện trạng ban đầu. Chúng tôi đang đề nghị đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ theo đúng yêu cầu, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tránh ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị...