Chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong suốt một thời gian dài, nay, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng lại tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh càng khó khăn hơn trong vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, các DN mong muốn Nhà nước tiếp tục có thêm nhiều chính sách hỗ trợ DN và bình ổn giá cả thị trường.
Là mặt hàng thiết yếu nên khi giá xăng dầu tăng cao liên tục trong thời gian qua tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN kinh doanh vận tải. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay đã có 5 đợt điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Hiện tại, giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Cụ thể, mức giá bán lẻ tối đa đối với xăng RON 95 là 24.996 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 23.669 đồng/lít, dầu diesel 18.716 đồng/lít, dầu hỏa 17.637 đồng/lít và dầu mazut 16.821 đồng/kg.
Bà Đỗ Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, ở phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) bày tỏ: Công ty đang kinh doanh vận tải 7 tuyến xe buýt từ T.P Thái Nguyên đi T.X Phổ Yên, các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa và tỉnh Bắc Kạn; kinh doanh vận tải xe khách hợp đồng chạy tuyến Thái Nguyên - Hà Nội. Giá xăng dầu tăng cao đã “đội” chi phí kinh doanh thêm từ 30%-40%/ngày. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện nay, nhiều tuyến hoạt động không có khách nên Công ty phải bù lỗ từ 1-2 tỷ đồng/tháng, cắt giảm từ 50-80% số tuyến xe vận tải, cho người lao động làm việc theo hình thức luân phiên.
Trước khó khăn này, vừa qua (ngày 20-10), Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan đã gửi hồ sơ đến các sở, ngành của tỉnh đề nghị tăng giá cước vận tải. Mặc dù sau đó, cước vận tải đã được điều chỉnh, nhưng do giá xăng dầu lại tiếp tục tăng nên DN hiện vẫn đang vẫn gặp khó.
Không riêng xăng dầu, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt, thép, cát, sỏi… cũng lần lượt leo thang, gây khó khăn phần nào cho DN, người dân. Đối với sắt thép, sau một thời gian ổn định, từ cuối tháng 10 vừa qua, giá thép đã được các DN sản xuất điều chỉnh tăng thêm từ 200-1.020 đồng/kg đối với thép cuộn, 200-750 đồng/kg đối với thép thanh…
Công ty TNHH Kim khí Quang Na đã điều chỉnh giảm lợi nhuận xuống mức thấp nhất để chia sẻ với khách hàng trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bà Lê Thị Na, Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Quang Na ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) - đại lý phân phối cấp II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên chia sẻ: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thị trường xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn sôi động. Tuy nhiên, trong tháng 10 vừa qua, giá thép trải qua 3 lần điều chỉnh tăng giá và hiện tại nằm trong khoảng 16.610-18.120 đồng/kg (tùy từng thương hiệu), Công ty đã chủ động điều chỉnh giảm lợi nhuận xuống mức thấp nhất có thể chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Còn theo ông Lê Văn Trường, Giám đốc Công ty CP Hải Trường, ở xã Đào Xá (Phú Bình) - đơn vị chuyên thi công các dự án xây dựng: Giá thép tăng khiến cho các công trình bị “đội” chi phí lên đáng kể. Mặt khác, do đã ký hợp đồng xây dựng trọn gói công trình nên nếu chúng tôi chờ giá vật liệu giảm xuống mới thi công thì sẽ bị chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng và phải bồi thường cho đơn vị chủ đầu tư.
Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Hân, kế toán Công ty CP Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Thái, ở phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho hay: Không riêng sắt thép, từ cuối tháng 10 vừa qua, giá cát, sỏi cũng tăng thêm 5.000 đồng/m3; xi măng tăng 50.000 đồng/tấn. Trước tình trạng tăng giá nguyên vật liệu xây dựng thì người dân thường có tâm lý chờ cho đến khi thị trường bình ổn mới tiếp tục thi công, điều này ảnh hưởng đến doanh số, lợi nhuận của đơn vị…
Ông Nguyễn Tân Chính, Trưởng phòng Quản lý Thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương) giải thích: Giá xăng dầu tăng do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới lên “cơn sốt”, nguồn cung khan hiếm. Điều này kéo theo sự tăng giá của các vật liệu xây dựng do phát sinh chi phí đầu vào… Trước khó khăn trên, ngành Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất với Bộ, Chính phủ xem xét can thiệp hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu.
Ngoài kiến nghị của ngành chức năng, theo một số DN, để “kìm” giá xăng dầu có thể thông qua giải pháp giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý, bởi mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường đang có 4 loại thuế (giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường). Đồng thời, các DN mong muốn Chính phủ, tỉnh tiếp tục có thêm các gói chính sách hỗ trợ cho DN và người dân về giảm, giãn, gia hạn thời gian nộp thuế; giãn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; giãn nợ cho DN để không bị trở thành nợ xấu, phục hồi sản xuất, kinh doanh…