Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, các em học sinh về việc tham gia bảo vệ rừng.
Chia sẻ về các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng trong Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cho rằng: Tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân trong sinh sống ở những khu vực gần rừng hiểu, tiếp thu các chế độ chính sách về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và tiếp cận tiến bộ khoa học, biết áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để phát triển kinh tế từ rừng. Qua đó, giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học của lực lượng chức năng.
Chính vì vậy, việc đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách về lâm nghiệp; chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh xác định là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đơn vị cử một thành viên trong Ban Giám đốc phụ trách trực tiếp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn, chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản mới liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp để tham mưu xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với thực tiễn.
Đại diện Ban Giám đốc và bộ phận tham mưu của đơn vị cũng chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phổ biến, giáo dục tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp cho các bộ phận liên quan, đồng thời tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình tuyên truyền trọng điểm, có hiệu quả như: Tuyên truyền cho cán bộ địa phương, người có uy tín về đạo đức, trách nhiệm bảo vệ rừng; tuyên truyền cho học sinh tại các trường học và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết; kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản phù hợp với thực tiễn…
Căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành, Ban quản lý đã biên soạn tài liệu tuyên truyền riêng về công tác quản lý, bảo vệ rừng theo đúng hướng dẫn; bám sát điều kiện thực tế, phong tục, tập quán tại địa bàn để xây dựng các chương trình tuyên tuyền phù hợp về thời gian, địa điểm và đảm bảo nội dung tuyên truyền chính xác và dễ hiểu. Trong quá trình thực hiện các giải pháp tuyên truyền, Ban quản lý luôn phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để xây dựng và triển khai chương trình tuyên truyền đạt hiệu quả cao, thu hút đông đảo sự tham gia của bà con nhân dân.
Nhờ các giải pháp tuyên truyền hiệu quả, trong hai năm 2020 và 2021, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã phối hợp với UBND 8 xã, thị trấn có diện tích thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng tổ chức được 42 lớp tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng với gần 2.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, Ban cũng tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với gần 700 lượt người là các thành viên ban lâm nghiệp xã và các tổ nhận khoán bảo vệ rừng tham gia. Đơn vị cũng tiến hành sửa chữa và làm mới trên 30 bảng biển tuyên truyền bảo vệ rừng trong khu vực Khu dự trữ thiên nhiên….
Qua đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đơn vị quản lý được bảo đảm, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, công tác phòng, chống cháy rừng được bảo đảm; công tác giao khoán bảo vệ rừng cho người dân và cộng đồng dân cư thôn, bản đã góp phần xã hội hóa nghề rừng, tạo công ăn việc làm, gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân và cộng đồng dân cư thôn, bản với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, người dân và các cộng đồng đã tích cực cùng với lực lượng chuyên trách tham gia bảo vệ rừng...