Trong buổi sáng ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV (10-12), đã diễn ra phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) với đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh. Theo đó, những vấn đề được quan tâm gồm: Giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; căn cứ quy định của một số dự thảo nghị quyết; công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường; chế độ chính sách đối với cán bộ... Dưới đây là lược ghi của phóng viên Báo Thái Nguyên về một số nội dung.
Về nội dung giải trình |
Tăng cường thanh, kiểm tra chống thất thu thuế
Báo cáo giải trình 2 nội dung về tình hình nợ thuế và giải pháp thực hiện thu hồi các khoản nợ thuế; giải pháp chống thất thu thuế, trốn thuế và kết quả thu ngân sách đối với hoạt động khai thác khoáng sản, ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Tính đến thời điểm 30/11/2021, tổng số nợ có khả năng thu trên địa bàn tỉnh là 831 tỷ đồng, tương đương 5,5% số thu ngân sách năm 2021 do ngành Thuế thực hiện.
Với mục tiêu tỷ lệ nợ thời điểm 31/12/2021 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính cho phép, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã tích cực triển khai các giải pháp, như: Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thu nợ cụ thể; thường xuyên rà soát, theo dõi diễn biến nợ đọng; tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan trong đôn đốc thu hồi nợ… Bên cạnh đó, năm 2021, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
Về kết quả thu trong hoạt động khai thác khoáng sản, tính đến hết tháng 11-2021, số thu đạt 861,2 tỷ đồng, gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Liên quan đến giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu tiền sử dụng đất và bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của một số đơn vị thuộc tỉnh được xây dựng trên cơ sở sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và nguồn vốn huy động hợp khác, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính làm rõ: Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các dự án (DA) được bố trí vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng là 7.825 tỷ đồng.
Để hoàn thành chỉ tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương với các giải pháp: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch; xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất, phương án đề xuất thực hiện các DA đầu tư có sử dụng đất; công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác thẩm tra, thẩm định và lựa chọn các chủ đầu tư có đủ năng lực; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư; tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành các DA; tạo quỹ đất sạch đấu giá; công khai đầy đủ các quy hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến thực hiện các thủ tục hành chính; hướng dẫn, rà soát việc sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được duyệt…
4 căn cứ xây dựng mức hỗ trợ chi phí hỏa táng
Làm rõ căn cứ xây dựng các mức hỗ trợ chi phí hỏa táng cụ thể cho từng đối tượng, từng địa phương trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Có 4 căn cứ trong việc xây dựng mức hỗ trợ, đó là: Mức thu dịch vụ hỏa táng thông thường hiện tại của Công ty TNHH An Lạc Viên Thái Nguyên là 6 triệu đồng/ca; tỷ lệ sử dụng hỏa táng trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2018-2020) tại Công ty TNHH An Lạc Viên; điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người/tháng, vị trí địa lý và Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (theo vùng II, III, IV); ưu tiên đối với nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội.
Nhiều nội dung cử tri, nhân dân quan tâm đã được lãnh đạo các sở, ngành giải trình, trả lời, làm rõ trong phiên họp.
Về nội dung chất vấn |
Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản
ĐB Lê Văn Tâm (tổ T.X Phổ Yên) chất vấn: Giải pháp khắc phục tình trạng khai thác các mỏ đá trên địa bàn tỉnh không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm môi trường về khói bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân...
Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Trong thời gian qua, Sở đã tổ chức lập, thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường của tỉnh; thẩm định các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD... Thời gian tới, Sở Xây dựng tập trung nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý các chủ đầu tư mỏ vi phạm quy định về quy chuẩn kỹ thuật, an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác...
Sẽ giám sát chặt chẽ sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thị Thu An (tổ T.P Thái Nguyên) về công tác cấp giấy phép nổ mìn khai thác đá làm vật liệu xây dựng và định hướng giải quyết thời gian tới để bảo đảm an toàn tính mạng và đời sống nhân dân sống gần khu vực khai thác, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 45 giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) do Bộ Công Thương và tỉnh cấp, trong đó 25/33 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường đang hoạt động có sử dụng VLNCN. Qua rà soát cho thấy, việc cấp phép sử dụng VLNCN thời gian qua đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc sử dụng VLNCN của một số doanh nghiệp khai thác vẫn còn tồn tại hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân. Về các giải pháp trong thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, trong đó, thiết kế mỏ phải đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra chấp hành các quy định trong quản lý, sử dụng, bảo quản VLNCN; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả yêu cầu dừng khai thác; yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với người dân trong vùng bị ảnh hưởng…
Tham mưu UBND tỉnh xử lý vi phạm
ĐB Đoàn Bách Thảo (tổ Đại Từ) chất vấn: Tình hình triển khai thực hiện việc lắp đặt, quản lý và vận hành hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đến thời điểm hiện nay của tỉnh ra sao? Số lượng các doanh nghiệp phải lắp đặt hệ thống này và các giải pháp của Ngành trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ: Toàn tỉnh hiện có 26 cơ ở sản xuất phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (QTTĐ) liên tục và truyền dữ liệu về Sở. Theo quy định, các cơ sở phải hoàn thành lắp đặt trước ngày 31/12/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Chính phủ cho gia hạn đến ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có 13/26 cơ sở hoàn thành lắp đặt, truyền dữ liệu về Sở; 6/26 cơ sở lắp đặt thiết bị nhưng chưa truyền dữ liệu về Sở.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp: Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị khẩn trương hoàn thành lắp đặt QTTĐ, truyền dữ liệu về Sở theo đúng quy định; tùy theo tình hình thực tế, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý vi phạm. Đồng thời, đẩy nhanh thi công lắp đặt thêm 6 trạm QTTĐ để đưa vào vận hành trong năm 2022, nâng tổng số trạm QTTĐ trên địa bàn lên 9 trạm.
Chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển, điều động, biệt phái
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Văn Khương (tổ Võ Nhai) về nội dung khi nào thì ban hành được chính sách đối với cán bộ luân chuyển, điều động, biệt phái khi mà hiện nay, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện nhiệm vụ này, ông Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để hoàn thiện, thống nhất chế độ, chính sách với đối tượng này, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến, Bộ Nội vụ đã góp ý, đề nghị việc sửa đổi, bổ sung nên thực hiện sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và quy định khung về chính sách trọng dụng, đãi ngộ với người có tài năng trong hoạt động công vụ, các chế độ chính sách với cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được luân chuyển, điều động, biệt phái.
Do vậy, trước mắt, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển, điều động, biệt phái của tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của HĐND tỉnh và Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 25/1/2014 của UBND tỉnh quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển cán bộ, công chức của tỉnh.