Giao thông tĩnh là những cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giao thông không trực tiếp tham gia vào quá trình giao thông như bến xe, ga tàu, chỗ gửi xe… Tại các đô thị lớn, việc phát triển hệ thống giao thông tĩnh, đặc biệt là các điểm, bãi, khu vực đỗ xe là đòi hỏi cấp thiết. Còn đối với đô thị loại I như T.P Thái Nguyên, lĩnh vực này đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi những giải pháp có tính đột phá và đồng bộ.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, lượng phương tiện giao thông, nhất là xe ô tô trên địa bàn tỉnh nói chung, T.P Thái Nguyên nói riêng tăng khá nhanh. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có trên 41.000 xe ô tô và mô tô đăng ký mới. Việc này phần nào thể hiện sự phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, song song với đó cũng nảy sinh một số vấn đề khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và tốc độ gia tăng của các phương tiện giao thông, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, vi phạm trật tự đô thị…
Để giải quyết vấn đề trên, những năm qua, T.P Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, như: Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và thực hiện nếp sống văn minh đô thị; cải tạo, chỉnh trang mặt đường, vỉa hè các tuyến phố; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm việc sử dụng quỹ đất đỗ xe của các cá nhân, tổ chức; yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư tuân thủ quy định về diện tích quỹ đất dành cho giao thông; bổ sung các điểm, bãi đỗ xe theo quy hoạch...
Theo đó, được sự nhất trí của UBND tỉnh, T.P Thái Nguyên đã áp dụng quy định cho phép đỗ xe dưới lòng đường tại 23 tuyến phố đủ điều kiện (gồm: Đường 2 chiều có lòng đường tối thiểu 10,5m thì cho phép đỗ một bên; tối thiểu 14m thì cho phép đỗ hai bên; nếu đường 1 chiều, lòng đường tối thiểu 7,5m thì cho phép để xe bên phải phần xe chạy); cho phép đỗ xe trên vỉa hè với 15 tuyến đường, tổng diện tích khu vực đỗ xe là trên 37ha. Ngoài ra, tại các khu đô thị, khu dân cư mới; khu vực các cơ quan, đơn vị… đã được quy hoạch các điểm dừng, đỗ với tổng diện tích gần 24ha.
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng thực tế hiện nay, mạng lưới giao thông tĩnh trên địa bàn T.P Thái Nguyên bị đánh giá là chưa đáp ứng tốt nhu cầu đỗ xe của cá nhân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn; tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh còn thấp.
Nhiều xe ô tô dừng, đỗ sai quy định tại khu vực Trung tâm Thương mại Vincom Plaza (ở phường Quang Trung).
Trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là các tuyến phố ở trung tâm thành phố, những khu vực được phép đỗ xe thường xuyên trong tình trạng “quá tải”, đơn cử như tuyến đường Nha Trang, Hoàng Văn Thụ... Hay trên một số tuyến đường tuy không được phép đỗ xe vào những khung giờ cao điểm như đường Quang Trung, Lương Ngọc Quyến..., tuy nhiên, vì không tìm được nơi dừng, đỗ hoặc do ý thức, nhiều chủ phương tiện vẫn vi phạm quy định về dừng, đỗ xe.
Ông Đỗ Đình Thìn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Trên địa bàn phường có gần 500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân. Do đó, lượng phương tiện, nhất là ô tô, rất lớn, nhu cầu sử dụng khu vực đỗ xe cao. Tuy vậy, trên địa bàn mới chỉ có một phần tuyến đường Hoàng Văn Thụ (khu vực trụ sở Công an T.P Thái Nguyên, Công ty Điện lực Thái Nguyên) được phép đỗ xe dưới lòng đường và trên hè phố. Trước thực trạng này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đề xuất với địa phương mở rộng thêm các tuyến đường được phép đỗ xe hoặc quy hoạch xây dựng bến, bãi, địa điểm đỗ xe để góp phần bảo đảm an toàn giao thông và tạo thuận tiện cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh “thiếu thốn” bến, bãi, khu vực đỗ xe, phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhằm lập lại trật tự đô thị đã được T.P Thái Nguyên xây dựng. Mặc dù chưa triển khai thực hiện song đây được xem là một trong những giải pháp đa tiện tích. Qua khảo sát, đông đảo người dân ở các tầng lớp trên địa bàn thành phố đều đồng tình, ủng hộ phương án này.
Theo đánh giá, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để làm khu vực đỗ xe không chỉ giải quyết cơ bản được “bài toán” giao thông tĩnh ở đô thị mà còn tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, bảo đảm mỹ quan, đem lại nguồn thu cho ngân sách. Mặt khác, phương án này còn giúp nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Theo kế hoạch để ra, trong giai đoạn 1, T.P Thái Nguyên sẽ thực hiện thí điểm thu phí lòng đường, hè phố ở 9 tuyến đường, trong đó có gần 20 điểm đỗ xe trên các tuyến đường, gầm cầu vượt, khu vực công cộng…
Tại các đô thị lớn (như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh…), để giải quyết nhu cầu ngày càng cao của người dân về việc đỗ xe, tháo gỡ khó khăn cho hạ tầng giao thông tĩnh còn thiếu và yếu, các địa phương này còn tận dụng diện tích dưới gầm cầu làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay điểm, bãi đỗ xe tại các đô thị trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo ý kiến của các chuyên gia, giao thông tĩnh là một bộ phận quan trọng của tổ chức giao thông đô thị, là loại hình dịch vụ phục vụ không thể thiếu của mỗi đô thị. Do vậy, đối với T.P Thái Nguyên, các giải pháp để giải quyết “bài toán” giao thông tĩnh cần được quan tâm hơn nữa, bắt đầu ngay từ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại…