Từ nhiều năm nay, Giáng sinh không chỉ là ngày lễ trọng đại của đồng bào Công giáo mà đã trở thành ngày vui của nhiều người không theo đạo. Năm 2021, vượt qua những khó khăn do tác động của dịch COVID-19, người dân trên địa bàn tỉnh không phân biệt giáo - lương đã cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương, chờ đón Lễ Giáng sinh an lành trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Trong an lành và hạnh phúc, người dân Thái Nguyên vẫn không quên “đêm Noel màu lửa” năm 1972. 49 mùa Giáng sinh trôi qua nhưng sự kiện 60 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 (Đội 91 Bắc Thái) anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng tại ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) đúng đêm Noel, đã trở thành khúc tráng ca bất tử giữa lòng “thành phố Thép”.
Đến tận bây giờ, chúng ta vẫn nhắc nhớ nhau về quá khứ hùng tráng ấy, nhưng không phải là sự bi lụy mà để mỗi người dành tình cảm tri ân và càng thêm quý trọng những phút giây bình yên của hiện tại, để cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh ngày trước.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tổ chức đón Giáng sinh được giáo dân trên địa bàn tỉnh thực hiện tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, đầm ấm. Ông Trần Văn Toản, Trùm Giáo họ Quảng Nạp, xã Bình Thành (Định Hoá) cho biết: Giáo họ Quảng Nạp có gần 60 hộ, chủ yếu sinh sống ở xóm Đồn, xã Bình Thành. Trong nhiều năm qua, mối đoàn kết lương - giáo được chúng tôi gây dựng và duy trì bền chặt để cùng xây dựng xóm làng, nhất là việc làm đường bê tông, nhà văn hoá và nhiều công trình công cộng khác. Giáng sinh năm nay, bà con cũng chuẩn bị làm hang đá, máng cỏ, sửa soạn lại nhà cửa và cùng trang trí nhà thờ. Tất cả trên tinh thần gọn nhẹ, ấm cúng, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Bà con giáo dân ở xóm Phúc Thành, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Linh Lan
Đối với giáo dân ở xóm Tranh, xã Tân Khánh (Phú Bình), việc chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh cũng theo đúng chủ trương gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện kinh tế và diễn biến dịch COVID-19. Trưởng xóm Hoàng Thị Hạnh chia sẻ: Xóm Tranh có 69 hộ thì 60 gia đình theo đạo Công giáo. Năm qua là quãng thời gian khó khăn bởi ảnh hưởng của COVID-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi khiến nhiều hộ lao đao. Tuy nhiên, nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành cùng nguồn quỹ của giáo dân trong Giáo họ đã giúp một số hộ dân có thêm nguồn vốn duy trì, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Dịp Giáng sinh, mọi người bảo nhau tổ chức lễ ấm cúng, gói gọn trong quy mô gia đình, dòng họ.
Cùng với Đoàn công tác của tỉnh đến chúc mừng một số giáo xứ, giáo họ trước thềm Giáng sinh, chúng tôi cảm nhận không khí ấm áp, an lành và tràn ngập niềm tin. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song phát huy tinh thần “Kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi đua phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Linh mục Nguyễn Quang Phúc, Chánh xứ Giáo xứ Nhã Lộng (Phú Bình) cho hay: Mùa Giáng sinh thêm nồng ấm khi bà con giáo dân nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền các cấp. Năm nay, do dịch bệnh nên chúng tôi chỉ tổ chức thánh lễ chính, còn những hoạt động văn nghệ hay diễn nguyệt mừng Thiên Chúa Giáng sinh được lược bớt, ý tưởng này được tất cả giáo dân đồng thuận cao.
Còn theo Linh mục Nguyễn Như Định, Chánh xứ Giáo xứ La Tú, xã Tân Khánh (Phú Bình): Năm qua, tỉnh và huyện có chương trình hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn tại Giáo xứ La Tú, mọi người đều rất phấn khởi nên dù Giáng sinh chúng tôi không tổ chức nhiều hoạt động tập thể, đông người, nhưng bà con vẫn thấy ấp áp, vui vẻ.
Cùng với nhân dân toàn tỉnh, thời gian qua, bà con giáo dân trên địa bàn đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế; đoàn kết, cùng nhau thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua. Ở các địa phương, các hộ giáo dân đăng ký và thực hiện nội dung thi đua rất cụ thể, như: Nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; xây dựng gia đình văn hóa, giáo họ bình yên; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao... Ngoài ra, bà con còn tích cực tham gia hiến đất làm đường nông thôn mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, Quỹ phòng, chống dịch COVID-19…
Ông Nguyễn Kim Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh nhấn mạnh: Những kết quả trên đã khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối của đồng bào Công giáo toàn tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền các cấp. Đây cũng là cơ sở để bà con giáo dân tiếp tục đoàn kết xây dựng quê hương, thực hiện tốt đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.