Không để khan hàng, sốt giá dịp Tết

07:28, 24/12/2021

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn tỉnh nói chung, T.P Thái Nguyên nói riêng đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Theo đánh giá của ngành chức năng, năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng dự báo sức mua của thị trường sẽ không giảm nhiều so với mọi năm.

Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có 4 trung tâm thương mại, 20 siêu thị, 30 chợ và nhiều cửa hàng tiện ích… Qua khảo sát tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, chúng tôi nhận thấy, thời điểm này, các đơn vị đều đã chuẩn bị lượng hàng hóa khá lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết.

Ông Hà Văn Hùng, Giám đốc Siêu thị GO! Thái Nguyên cho biết: Hiện tại, siêu thị đã tăng khoảng 150% lượng hàng hóa nhập so với trung bình hàng tháng để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của bà con. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng: Bánh kẹo, rượu bia... Riêng với mặt hàng tươi sống, trước Tết 2 tháng, siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng dự kiến, với khoảng 5-7 tấn/ngày, cao gấp đôi so với ngày thường. Về giá bán, ngoài mặt hàng dầu ăn có tăng nhẹ (20%) so với Tết năm ngoái thì cơ bản đều bình ổn.

Theo ông Tạ Tuấn Khang, Giám đốc Siêu thị WinMart Thái Nguyên: Hiện tại, WinMart Thái Nguyên đang cung cấp trên 14.000 mã hàng hóa với đa dạng các chủng loại. Khoảng nửa tháng nữa, chúng tôi sẽ bổ sung hơn 1.000 sản phẩm, như: Giỏ quà, bánh mứt kẹo, các sản phẩm nông sản. Ngoài chương trình khuyến mại định kỳ (15 ngày/chương trình), siêu thị còn bổ sung thêm nhiều sự kiện kích cầu tiêu dùng khác, như: Giá sốc cuối tuần, mua nhiều tiết kiệm nhiều, khuyến mại cho khách hàng sử dụng thẻ ưu đãi hay chiết khấu % với khách hàng mua nhiều giỏ quà Tết…

Năm nay, để tránh tập trung đông người mua sắm, đảm bảo an toàn cho người dân trong phòng, chống dịch COVID-19, các cửa hàng, siêu thị cũng đã thúc đẩy kênh bán hàng đa phương tiện qua website, hotline, app… Đồng thời, bố trí thêm nhân viên phục vụ, mở thêm quầy thanh toán và các hình thức thanh toán trực tuyến... Chị Trần Thị Thu Hiền, Giám sát ngành hàng Siêu thị Lan Chi, đường Bắc Kạn (phường Hoàng Văn Thụ) chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi đã bổ sung 10 quầy thanh toán để phục vụ người dân mua sắm dịp Tết. Nhân viên thu ngân được trang bị tấm chắn và tại các quầy thanh toán cũng đều lắp tấm chắn giọt bắn để đảm bảo an toàn.

Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, góp phần hạn chế tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả thị trường dịp Tết. Theo đó, trên cơ sở dự báo thị trường về nhu cầu hàng hóa, năng lực sản xuất, kinh doanh, tác động của dịch COVID-19, tỉnh sẽ triển khai hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với đơn vị phân phối... 

Theo đại diện phòng chuyên môn của Sở Công thương, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng qua khảo sát thị trường trong năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn tăng (11 tháng đầu năm 2021 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước). Do vậy, đây là cơ sở để các siêu thị, đơn vị sản xuất, kinh doanh nhập lượng hàng hóa dồi dào để cung ứng dịp Tết. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá, bình ổn thị trường…