Thẳng thắn trao đổi, đề nghị làm rõ nhiều vấn đề

07:46, 08/12/2021

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV, trong phiên làm việc chiều nay (8-12), các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh và khách mời thảo luận tại 4 tổ về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp.

Trong 54 nội dung trình tại Kỳ họp, kết quả phát triển KT-XH năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 là nội dung được các ĐB dành nhiều thời gian thảo luận hơn cả. Đa số các ý kiến đánh giá cao vai trò của UBND tỉnh trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương và trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ là thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Điều này được minh chứng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt khá và cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, các ĐB cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục và đề xuất nhiều giải pháp.

Về kết quả phát triển KT-XH

ĐB Phạm Hoàng Sơn (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị: UBND tỉnh nghiên cứu sớm có quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp quyền khai thác thêm mỏ đất để phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, vì hiện nay số mỏ được cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cùng với đó cần bổ sung giải pháp để tăng các nguồn thu từ đất và nguồn thu từ đấu giá tài sản, nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước; có giải pháp quyết liệt hơn để thu các khoản nợ thuế của doanh nghiệp...

Đại biểu Phạm Hoàng Sơn nêu ý kiến trong phiên thảo luận tổ.

Còn theo ĐB Nguyễn Quốc Hữu (Tổ T.P Thái Nguyên), UBND tỉnh cần đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018. Ngoài ra, ĐB đề nghị bổ sung giải pháp để thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề.

ĐB Kiều Thị Thao (Tổ Phú Bình) thì đề nghị: Nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 rất nặng nề, do đó, tỉnh cần bổ sung các giải pháp mang tính đột phá, chi tiết hơn.

Tăng cường hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

ĐB Đoàn Thị Hảo (Tổ T.P Thái Nguyên) phân tích: Mặc dù số xã về đích nông thôn mới (NTM) của tỉnh hiện đạt 76%, tuy nhiên, các huyện Võ Nhai và Định Hóa mới đạt khoảng 50%. Vì thế, tỉnh cần tiếp tục quan tâm có thêm cơ chế hỗ trợ những địa phương này để sớm hoàn thiện các tiêu chí.

ĐB Nguyễn Thu Hương (Tổ Phú Lương) và ĐB Nịnh Văn Hào (Tổ Võ Nhai) cho rằng: Thực hiện Đề án xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần có hướng dẫn thực hiện bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng, tránh gây lãng phí; ưu tiên nguồn lực cho thực hiện các tiêu chí về công nghệ thông tin nhằm đồng bộ với nhiệm vụ chuyển đổi số.

Còn theo ĐB Đoàn Bách Thảo (Tổ Đại Từ): UBND tỉnh cần quy định cụ thể nguyên tắc hỗ trợ đối với huyện đăng ký đạt chuẩn NTM (có nhận kinh phí hỗ trợ sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM như quy định đối với cấp xã hay không?). Đồng thời làm rõ mức hỗ trợ cụ thể đối với các xã về đích NTM.

Đại biểu Đoàn Bách Thảo (Tổ Đại Từ).

ĐB Nguyễn Viết Đài (Tổ Phú Bình) nêu ý kiến: Hiện nay, kết cấu hạ tầng của nhiều xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016 đã xuống cấp, hoặc chưa bảo đảm so với tiêu chí mới. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực để các xã này nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Về vấn đề này, một số ĐB cũng đề nghị làm rõ dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện nghị quyết với tổng số tiền hỗ trợ 291,6 tỷ đồng, tổng hỗ trợ xi măng 252.800 tấn có nằm trong cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các cơ chế, chính sách khác đã ban hành hay không?

Tạo động lực phát triển du lịch cộng đồng

ĐB Phạm Việt Dũng (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị: Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng, cấp, ngành liên quan cần lựa chọn địa điểm có tính khả thi để hỗ trợ đầu tư, sau đó mới nhân ra diện rộng, tránh lãng phí nguồn lực. Cùng với đó, việc phát triển nên gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp và các sản phẩm OCOP nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Khuyến khích các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, huy động và sử dụng những nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ phát triển loại hình du lịch này.

Còn theo ĐB Ma Công Trình (Tổ Định Hóa): Đề án rất thiết thực nhằm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa. Do đó, sau khi Nghị quyết được thông qua, tỉnh cần sớm triển khai nhằm tạo động lực phát triển KT-XH vùng khó khăn.

Về các báo cáo, tờ trình khác:

ĐB Nguyễn Thanh Bình (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị: Tỉnh quan tâm cho T.P Thái Nguyên được hưởng cơ chế đặc thù đối với nguồn thu tiền sử dụng đất của một số khu đô thị để triển khai Dự án Cầu Quang Vinh 1, Cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên; Dự án Đô thị động lực (vay vốn Ngân hàng Thế giới).

ĐB Phạm Duy Linh (Tổ Đồng Hỷ) cho rằng: Với khoản thu phí bảo vệ môi trường, tỉnh nên giữ nguyên thực hiện theo giai đoạn thời kỳ ổn định ngân sách 2020 (tỉnh 30% - huyện 70%).

Về Tờ trình đề nghị thông qua điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, ĐB Nguyễn Ngô Quyết (Tổ Phú Bình) đề nghị nghiên cứu tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ đất với các địa phương cấp huyện bằng nhau theo tỷ lệ huyện 90% - tỉnh 10%.

Về Tờ trình về phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2021-2030: ĐB Ngô Thế Hoàn (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị nghiên cứu xây dựng nội dung nghị quyết thành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Thái Nguyên; đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện thành giai đoạn 2022-2030.

Liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch COVID-19, ĐB Hà Thị Hường (Tổ Phú Lương) cho rằng: Thời gian qua, các tổ COVID-19 cộng đồng đã phát huy vai trò rất lớn trong ngăn chặn dịch lây lan. Do đó, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động nhằm động viên các thành viên.

Về Tờ trình đề nghị thông qua kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2022, ĐB Đặng Hoàng Nhâm - ảnh trên (Tổ Đại Từ) đề nghị UBND tỉnh bổ sung đưa vào danh mục đầu tư công dự án tái định cư cho 12 hộ dân ở xóm Chiểm, xã Quân Chu (Đại Từ), đang nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, vì nếu không triển khai sớm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão…