Ổn định thị trường hàng hóa: Khi các ngành cùng vào cuộc

15:47, 27/01/2022

Hai năm qua, dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của không ít người dân, nhiều người đã chuyển từ cách mua bán truyền thống sang trực tuyến. Điều này giúp hoạt động kinh doanh trên môi trường số ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại thì hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực tế này đòi hỏi lực lượng chức năng phải có những đổi mới trong quản lý, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Thực trạng thị trường

Thái Nguyên là địa phương được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển TMĐT, như: Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, hệ thống giao thông thuận tiện, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số… Theo ông Tạ Đình Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Bên cạnh loại hình kinh doanh truyền thống thì TMĐT cũng đã trở thành nhu cầu tất yếu trong đời sống sinh hoạt của nhiều người, không chỉ ở khu vực thành thị mà đã phát triển về tới cả vùng nông thôn. Đây cũng đang là xu hướng phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của TMĐT chính là làm nảy sinh ngày càng nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng… làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung, cũng như niềm tin của người tiêu dùng.

Qua thực tế công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, các hành vi vi phạm có tính ẩn danh cao, dễ che giấu nhân thân người có hành vi phạm tội; dễ tẩy xóa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để đối phó với lực lượng chức năng; đối tượng có thể ở tại một tỉnh để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại ở một tỉnh khác. 

Những kết quả nổi bật

Trước thực trạng này, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến của thị trường, làm tốt công tác dự báo, tích cực phối hợp kiểm tra, kiểm soát, trao đổi thông tin, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Nhờ đó, tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 tiếp tục được giữ ổn định.

Cán bộ Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh phân bón tại huyện Phú Bình.

Trong năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 3.254 vụ vi phạm, với 3.237 đối tượng. Trong đó có trên 1.400 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; trên 1.700 vụ về gian lận thương mại và gian lận thuế; 118 vụ về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Cũng trong năm 2021, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 890 vụ/912 bị can; xử phạt hành chính 2.364 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 110 tỷ đồng. Trong số này, có nhiều vụ liên quan đến hoạt động TMĐT, với giá trị tang vật vi phạm bị tịch thu, tiêu hủy lên tới hàng tỷ đồng…

Hướng đến giải pháp "dài hơi"

Theo các chuyên gia kinh tế, gian lận thương mại sẽ tiếp tục gia tăng theo chiều tỷ lệ thuận với sự phát triển của TMĐT và trong khoảng 3-5 năm tới, nó sẽ chiếm khoảng 50-60% trong tổng số các vụ gian lận thương mại. Trước thực tế này, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh sẽ quyết liệt triển khai có hiệu quả những nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu; phối hợp, trao đổi thông tin các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ thị trường toàn tỉnh để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý kịp thời. 

Các cơ quan chức năng thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm tại địa bàn huyện Võ Nhai.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân về phương thức, thủ đoạn cũng như hậu quả, tác hại của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và không tham gia tiếp tay, không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng đưa hàng cấm, giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trên địa bàn… 

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương sẽ chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh; chấp hành pháp luật về giá, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, các hàng hóa dịch vụ phải đăng ký, kê khai giá; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường; kịp thời đề xuất xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo cung, cầu các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.